Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Estelle P. Dauchy, Phó Giám đốc về Nghiên cứu quốc tế thuộc Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ chia sẻ với VietNamNet xung quanh câu chuyện giảm sử dụng thuốc lá.
Xin Tiến sĩ cho biết xu hướng điều chỉnh thuế thuốc lá để giảm sử dụng thuốc lá trên thế giới trong thời gian qua như thế nào? Việc điều chỉnh này có tác động như thế nào đến tỷ lệ người hút thuốc lá hay không?
Tiến sĩ Estelle P. Dauchy: Trong 15 năm qua, xu hướng chung là tăng thuế tiêu thụ thuốc lá thường xuyên và với mức tăng lớn, để giảm một cách hiệu quả và đáng kể việc sử dụng thuốc lá, đồng thời tăng thêm ngân sách từ thuế thuốc lá cho các quốc gia.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tăng thuế làm tăng giá thuốc lá 10%, từ đó, làm giảm trung bình 4% mức tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt giảm mạnh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình (từ 5% trở lên). Tăng thuế làm tăng giá thuốc lá nên có tác động lớn hơn đối với giới trẻ, do nhóm này phản ứng nhanh hơn với giá cả (có khả năng đáp ứng nhanh gấp 2 lần).
Bên cạnh đó, việc tăng thuế thuốc lá mạnh và đột ngột có hiệu quả mạnh hơn trong việc giảm sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách, tức đem lại tác động “cùng thắng” lớn hơn so với việc tăng nhiều lần nhưng nhỏ giọt.
Một xu hướng khác là các quốc gia đang hướng tới là áp dụng các hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt thuần thúy là thuế tuyệt đối, hoặc hệ thống thuế hỗn hợp dựa nhiều vào thuế tuyệt đối hơn là thuế theo tỷ lệ phần trăm. Trong số 153 quốc gia trên thế giới, số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối đã tăng từ 55 lên 66 quốc gia, trong khi số quốc gia sử dụng hệ thống thuế theo tỷ lệ phần trăm giảm từ 57 xuống 46 quốc gia.
Tiến sĩ Estelle P. Dauchy chia sẻ về cách giảm tác hại của thuốc lá
Bà có thể chỉ ra một vài ví dụ cụ thể của một số nước gần đây thực hiện cải cách thuế thuốc lá thành công, đặc biệt là những nước có đặc điểm tương tự Việt Nam?
Tiến sĩ Estelle P. Dauchy: Ukraine là một ví dụ điển hình để so sánh với Việt Nam. Giống như Việt Nam, 10 năm trước tỷ lệ hút thuốc ở Ukraine rất cao: năm 2005, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 63% ở Ukraine. Vào thời điểm đó, hệ thống thuế thuốc lá ở Ukraine là một hệ thống thuế hỗn hợp với sự phụ thuộc cao vào thuế theo tỷ lệ phần trăm. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2008 và hàng năm kể từ đó, Ukraine đã tăng đáng kể tỷ trọng thuế tuyệt đối. Từ năm 2008 đến 2017, với việc tăng mạnh và liên tục thuế tuyệt đối biệt đã khiến tỷ trọng tất cả các loại thuế trong giá bán lẻ tăng từ 49% đến 79% đối với các thương hiệu thuốc lá phổ biến nhất. Ngay cả sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá thuốc lá có sự tăng vọt.
Kết quả là, trong giai đoạn này, tỷ lệ hút thuốc ở Ukraine đã giảm đáng kể. Năm 2005, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành nói chung ở Ukraine là 37,6%, lớn hơn nhiều so với ở Việt Nam (23% người trưởng thành hút thuốc). Tuy nhiên, 10 năm sau, tỷ lệ hút thuốcở Ukraine giảm mạnh (giảm 17 điểm phần trăm xuống còn 21% vào năm 2015), trong khi ở Việt Nam tỷ lệ hút thuốc không thay đổi nhiều sau 10 năm (chỉ giảm 2 điểm phần trăm xuống còn 21,5% năm 2015), khiến cho cho tỷ lệ hút thuốc của Ukraine thấp hơn so với Việt Nam. Ở Ukraine, mặc dù tỷ lệ hút thuốc giảm mạnh, doanh thu thuế thuốc lá vẫn tăng liên tục trong giai đoạn này.
Với kinh nghiệm của mình, bà có những khuyến nghị cụ thể nào đối với việc cải cách thuế thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian tới?
Tiến sĩ Estelle P. Dauchy: Mặc dù Việt Nam sửa đổi Luật thuế TTĐB năm 2014, tuy nhiên giá thuốc lá vẫn ở mức thấp. Tính đến năm 2015, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao trên thế giới với 22,5% người trưởng thành hút thuốc.
Với Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Việt Nam đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 39% vào năm 2020.
Điều này có nghĩa là sẽ giảm 18% từ năm 2015 đến năm 2020. Mục tiêu này rất khó có thể đạt được khi có xu hướng sử dụng thuốc lá phổ biến và tăng liên tục khả năng chi trả cho thuốc lá kể từ năm 2008 tới nay.
Cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này trong vòng 5 năm tới là tăng mạnh thuế thuốc lá. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện theo những bài học kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới đã được chứng minh là thành công nhất.
Cụ thể, áp dụng ngay thuế tuyệt đối đối với với mức thuế cao nhất có thể. Tiếp tục tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm để ít nhất theo kịp lạm phát và tăng trưởng thu nhập.
Trong bối cảnh Việt Nam, nên áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp (giữ thuế theo tỷ lệ phần trăm cùng với bổ sung thuế tuyệt đối), và cần cải thiện cơ sở tính thuế cho thuế theo tỷ lệ phần trăm bằng cách chọn cơ sở tính thuế minh bạch hơn so với cơ sỏ tính thuế là giá xuất xưởng hiện tại. Một cơ sở tính thuế minh bạch hơn như tính trên giá bán lẻ sẽ tốt hơn để theo dõi và giảm nguy cơ thao túng giá đầu vào của công ty thuốc lá nhằm tăng tỷ suất lợi nhuận bán lẻ.
Trong tương lai, Việt Nam nên chuyển sang áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hoàn toàn dựa trên thuế tuyệt đối.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý thuế để đảm bảo hiệu quả của việc tăng thuế thuốc lá. Điều này bao gồm giám sát chặt chẽ việc giấy phép (để tránh sản xuất bất hợp pháp) và áp dụng hình phạt cao đối với các doanh nghiệp không tuân thủ, phòng chống buôn lậu thuốc lá qua biên giới hiệu quả hơn, theo dõi chính xác và chặt chẽ quy trình sản xuất cũng như áp dụng hệ thống tem thuế tiêu thụ đặc biệt mạnh.
Việt Nam cũng cần đánh thuế với các sản phẩm thuốc lào. Rất tiếc sản phẩm này hiện chưa bị đánh thuế, từ đó, giảm đáng kể khoảng cách giá giữa các sản phẩm thuốc lá và giảm khả năng chuyển sử dụng từ thuốc lá sang thuốc lào của người hút.
Huyền Anh
Muôn vàn khó khăn trong việc giảm tỉ lệ người hút thuốc lá
10 năm qua, Thái Lan đã tích cực xây dựng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu số người hút thuốc lá điếu, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong đợi.