Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), cho biết bệnh nhân Phan Hữu N., 35 tuổi, trú tại huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long đã được quỹ BHYT chi trả hơn 12,9 tỉ đồng trong vòng 2,5 năm qua.
Cụ thể, anh N. mắc bệnh máu khó đông (Hemophilia), điều trị tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Năm 2017, tổng số tiền điều trị của bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán là hơn 4,5 tỉ đồng; năm 2018 trên 7 tỉ đồng và 5 tháng đầu năm 2019, tiếp tục được quỹ BHYT thanh toán 1,4 tỉ đồng.
Được biết, anh N. thuộc nhóm đối tượng khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Mức chi gần 13 tỉ đồng nói là mức BHYT chi trả cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, BHYT từng chi trả hơn 5 tỉ đồng cho 1 bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh ở Đồng Nai.
Hemophilia là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố đông máu số 8 (hemophilia A) hoặc số 9 (hemophilia B).
Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu khó cầm ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ. Chảy máu cơ khớp tái phát nhiều lần dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ. Một số ít trường hợp chảy máu trong não.
Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Đây là con số thực sự lớn nếu như bệnh nhân không có BHYT.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho biết, ngoài anh N. từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỉ đồng, đơn cử như bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên; 4,8 tỉ đồng); Quách Thị Hoài A. (Bình Định; 2,6 tỉ đồng); Nguyễn Trường S. (TP.Hồ Chí Minh; 2,4 tỉ đồng); Bùi Văn T. (Hà Nam; 1,8 tỉ đồng); Lê Văn Q. (Khánh Hoà; 1,4 tỉ đồng) và Phan Khắc H. (Hà Nội; 1,2 tỉ đồng)…
Theo thống kê, đến nay cả nước có khoảng 83,6 triệu đối tượng tham gia BHYT, đạt khoảng 88,1% dân số.
Thúy Hạnh
30.000 người Việt mang gen bệnh di truyền không có thuốc chữa, ít người biết
- Những đứa trẻ sinh ra với hình dáng hoàn toàn bình thường nhưng lớn lên thường xuyên chảy máu, đau đớn vật vã, cuộc đời gắn chặt với bệnh viện.