Bắt đầu từ hôm nay (1/1), chính sách thông tuyến tỉnh BHYT trong điều trị nội trú chính thức có hiệu lực.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải thích, Luật chỉ điều chỉnh thông tuyến với điều trị nội trú do đây là những trường hợp nặng, cần được chăm sóc chuyên sâu và dài ngày hơn. Các trường hợp nhẹ hơn sẽ được chuyển đến cơ sở y tế tuyến xã, huyện.
Khi thực hiện thông tuyến tỉnh, bệnh nhân từ tuyến xã, tuyến huyện có thể lên thẳng các bệnh viện tuyến tỉnh đang sinh sống hoặc tuyến tỉnh, thành phố lớn khác ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… để khám và điều trị.
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Ảnh: Sở Y tế Bình Định
Với quy định thông tuyến mới từ 2021, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh bất kỳ và có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ.
Tại TP.HCM dù nhiều bệnh viện là tuyến thành phố nhưng đều là những cơ sở y tế rất lớn như: Ung bướu TP. HCM, Chấn thương chỉnh hình TP. HCM, Bệnh viện Nhi đồng… Các cơ sở này lâu nay điều trị cho các bệnh nhân khu vực lân cận, thậm chí toàn miền Nam. Nhưng trước đây khi chưa có chính sách thông tuyến tỉnh, bệnh nhân các tỉnh vượt tuyến điều trị nội trú, chỉ được BHYT chi trả 60%.
Quy định mới không áp dụng với trường hợp tự đi khám ngoại trú hay khám chữa bệnh tại các tuyến trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trung ương 108…
Khi thông tuyến, người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn, tuy nhiên quỹ chi trả của BHYT sẽ phình to thêm.
Năm 2020, quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú cho hơn 1 triệu bệnh nhân vượt tuyến với số tiền khoảng 1.250 tỷ đồng. Khi thông tuyến vào năm 2021, chi phí BHYT dự kiến tăng thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra khi thông tuyến, các bệnh viện sẽ nảy sinh 2 vấn đề. Thứ nhất, các bệnh viện tuyến tỉnh uy tín có thể đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân nhập viện, trong khi một số khác phải đối mặt với tình trạng đìu hiu, thiếu bệnh nhân, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện.
Dù vậy, ông Phúc cho biết, Bộ Y tế đang hoàn tất các quy định, tiêu chí cụ thể, xác định trường hợp nào được điều trị nội trú, tránh trường hợp lạm dụng chỉ định nhằm tăng nguồn thu tại các bệnh viện tỉnh, thành phố.
Về hàng rào pháp lý hiện tại, ông Phúc cho biết, ngành y tế đã giao chỉ tiêu kỹ thuật về giường bệnh với mỗi bệnh viện, muốn kê thêm giường phải được sự cho phép của Sở Y tế.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các tỉnh phải xác định được số giường bệnh thực kê, số giường bệnh theo kế hoạch. Chẳng hạn, bệnh viện có 500 giường bệnh, tối đa cũng chỉ nhận 500 hoặc hơn một chút, không thể tất cả các giường bệnh đều nằm ghép. Khi nằm ghép, BHYT cũng chỉ thanh toán một nửa số tiền giường thôi”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên thông tuyến cũng là cơ hội để các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện ở nhiều địa phương tự đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thu hút bệnh nhân và có chính sách đãi ngộ với nhân viên để tránh “chảy máu chất xám”.
Thúy Hạnh
Trăn trở của bác sĩ tuyến huyện khi thông tuyến bảo hiểm y tế
“Thông tuyến BHYT sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021, đến lúc đó không biết bệnh viện tuyến huyện còn bệnh nhân không”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa trăn trở.