Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính đến ngày 15/7, TP đã có 2.058 F1 được thí điểm cách ly tại nhà. Các trường hợp này được phân bố ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Họ được chọn áp dụng là do đủ các điều kiện về nơi ở có không gian rộng và phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt việc cách ly.

Ông Mãi cho biết, từ cuối tháng 6, Bộ Y tế đã hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM. Sở Y tế TP cũng đã có hướng dẫn cụ thể giám sát F1 tại nơi ở để các địa phương căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, do ban đầu thực hiện, nhiều quận huyện tại TP còn có sự lúng túng.

"Thành phố xác định cần mạnh dạn cách ly F1 tại nhà. Những nơi có điều kiện sẽ cho phép cách ly F1, sau đó mở rộng dần ra", ông Mãi nói.

Chị H.T. (sinh năm 1990), cư trú tại TP Thủ Đức là một trong những trường hợp F1 được cách ly tại nhà. Chị cho biết, trước đó có tiếp xúc với một F0 khi đi mua thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi gần nhà. Do chị là F1 nguy cơ thấp, nhà có không gian rộng, có phòng riêng nên được cách ly tại nhà.

“Khi tôi khai báo mình là F1, nhân viên y tế chỉ hướng dẫn cho tôi là được tự cách ly tại nhà. Hai ngày sau họ mới lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho tôi. Khi tôi cách ly tại nhà được một tuần họ mới đến dán thông báo”, chị T. chia sẻ.

{keywords}
Biển thông báo gia đình có người cách ly ở nhà chị H.T. Ảnh: Tú Anh.

Vì lo sợ cho sức khỏe, lại đang có con nhỏ, chị T. thực hiện nghiệm ngặt quy tắc 5K của Bộ Y tế. Đến nay, chị đã thực hiện xong việc cách ly và có các kết quả xét nghiệm nCoV âm tính.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 16/7, TP có 24.248 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Liên quan đến các ca F0 này, hiện TP đang thực hiện cách ly 50.181 trường hợp, trong đó có 12.773 người cách ly tập trung; 37.408 đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

HCDC cho biết, từ ngày 17-31/7, TP sẽ triển khai thực hiện thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD. Đây là phần mềm được Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế TP.HCM phối hợp thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

Đối tượng được được áp dụng là các trường hợp tiếp xúc F1. Sau khi hoàn tất giai đoạn thí điểm, TP sẽ triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn.

Theo HCDC, các trường hợp cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình. Mỗi ngày, họ sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...

Từ những khai báo này, nhân viên y tế sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ để có hỗ trợ kịp thời.

{keywords}
Một gia đình TP.HCM phải đi cách ly tập trung do tiếp xúc với F0. Ảnh: Tú Anh.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ, trong giai đoạn thí điểm sử dụng phần mềm sẽ có những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cấp bách, đòi hỏi sự chung sức của tất cả các lực lượng chức năng và người cách ly y tế tại nhà.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, điều quan trọng trong việc cách ly F1, điều trị F0 tại nhà là sự tự giác, ý thức của người dân. “Một gia đình có người cách ly F1 không tuân thủ quy định ở yên tại phòng riêng, người này sẽ là nguồn lây cho các thành viên còn lại”, ông Nam nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận, khi áp dụng biện pháp cách ly F1 tại nhà, nhiều địa phương đã lúng túng trong thời gian bắt đầu triển khai, do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề này đã được cải thiện sau một thời gian thực hiện.

>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Tú Anh

Cách ly F0 tại nhà, ý thức của bệnh nhân mang tính quyết định

Cách ly F0 tại nhà, ý thức của bệnh nhân mang tính quyết định

Theo các chuyên gia, ý thức của F0 khi về cách ly tại nhà rất quan trọng. Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ Covid-19 cộng đồng cần có sự giám sát chặt chẽ.