40 năm qua, Linda He và gia đình đang sống ở Thượng Hải, Trung Quốc vẫn dùng đũa của mình gắp vào bát thức ăn chung giống như hàng triệu gia đình khác ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ coi việc gắp thức ăn chung là một truyền thống ăn uống vì nó đã tồn tại hàng nghìn năm.

Nhưng từ tháng trước, nếp ăn uống nhà chị Linda đã thay đổi. Trong mỗi bữa, Linda đặt thêm một đôi đũa sạch để mọi người dùng nó gắp đồ vào bát riêng của mình.

“Gắp chung thức ăn là truyền thống mang ý nghĩa san sẻ nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi để tránh lây nhiễm nhiều bệnh”, Linda chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến hơn 83.000 người mắc bệnh, hơn 4.600 người tử vong. Đây quả thực là bài học đau thương khiến nhiều gia đình tại Trung Quốc xem xét lại thói quen ăn uống cũng giống như nhiều người châu Âu xem xét lại văn hóa bắt tay hoặc ôm hôn khi gặp nhau.

{keywords}

Nhiều gia đình Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi thói quen dùng đũa trong bữa ăn

 Học hỏi Linda, rất nhiều bạn bè của cô cũng đã bắt đầu sử dụng đôi đũa riêng trong mỗi bữa ăn.

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 hồi tháng 3, nhật báo Hạ Môn từng thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng 30.000 công dân của thành phố. Kết quả, gần 85% người được hỏi cho rằng các gia đình cần sử dụng thìa, đũa riêng để lấy thức ăn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Giới chức Trung Quốc tin rằng, gắp thức thức ăn chung là nguyên nhân chính khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh giữa các thành viên trong gia đình, chiếm 83% trong các trường hợp mắc.

Nỗi sợ lây nhiễm dịch bệnh cũng đã khiến hàng triệu nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thay đổi cung cách phục vụ.

Deng Yanping, chủ một nhà hàng ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cho biết, cô sử dụng các dụng cụ ăn uống riêng biệt và đặt các bàn cách xa nhau, đảm bảo khoảng cách để khách hàng yên tâm.

“Trước đây, chỉ một số nhà hàng cao cấp mới phục vụ như vậy vì với các nhà hàng nhỏ như chúng tôi, thêm thìa dĩa là thêm chi phí, thêm người rửa. Nhưng giờ chúng tôi phải thay đổi”, cô Deng chia sẻ.

Từ đại dịch SARS năm 2003, Trung Quốc đã khuyến khích các nhà hàng sử dụng chén đũa riêng cho từng người, không gắp đồ ăn chung. Song khi đó chỉ có Hong Kong hưởng ứng, những nơi khác dần trở về nếp ăn uống cũ khi dịch qua đi.

Nhưng đợt dịch Covid-19 lần này, chính quyền nhiều địa phương rất quyết liệt. Vào tháng 5, một nhà hàng tại Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang đã bị phạt 50 Nhân dân tệ (160.000 đồng) vì không có thêm thìa, đũa riêng trên bàn ăn. Đây có lẽ là lần đầu tiên một nhà hàng bị phạt lỗi này.

Tại tỉnh Thiểm Tây, chính quyền đang phát động chiến dịch đảm bảo tất cả các thực khách sẽ có thêm dụng cụ riêng gắp đồ ăn khi đến nhà hàng từ cuối tháng 10 tới.

Song có lẽ, sự thay đổi nào cũng cần có thời gian. Cô Deng Yanping cho biết, chỉ một nhóm nhỏ thực khách tại nhà hàng chấp nhận cách ăn mới.

Khi anh Li Liang, 34 tuổi, sống tại Bắc Kinh, đề xuất với các thành viên trong gia đình, từ nay sẽ chia nhỏ bữa ăn thành từng phần cho mỗi người như phương Tây để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, bố của anh đã kiên quyết phản đối.

“Bố tôi không đồng ý, ông nói như vậy khác gì coi nhau như người xa lạ”, anh Li kể.

Theo quan niệm truyền thống Trung Quốc, ông bà, cha mẹ lấy đũa của mình gắp thức ăn cho con cháu là thể hiện tình yêu thương. Trẻ nhỏ cũng làm như vậy với người lớn để bày tỏ sự kính trọng.

Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng thay đổi suy nghĩ này. Một video tuyên truyền mới đây của Thượng Hải nhấn mạnh: “Sử dụng đũa, thìa riêng không phải là sự ghẻ lạnh. Chia nhỏ khẩu phần riêng không có nghĩa là hết yêu thương”.

Theo các chuyên gia y tế, không gắp chung thức ăn, không chấm chung nước chấm ngoài giảm lây nhiễm Covid-19, còn giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh khác như HP, viêm gan B, cúm...

Minh Anh (theo SCMP)

Triệu gia đình Việt cần bỏ 3 thói quen trong bữa ăn để giảm lây nhiễm Covid-19

Triệu gia đình Việt cần bỏ 3 thói quen trong bữa ăn để giảm lây nhiễm Covid-19

- Những thói quen như dùng chung bát nước mắm, gắp thức ăn chung… đều có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.