Theo hãng tin The Guardian, Anh đã đặt các hoạt động vận tải thủy của nước này ở  Vùng Vịnh vào mức báo động cao nhất, khi Ngoại trưởng Jeremy Hunt buộc phải thừa nhận London không có đủ nguồn lực để bảo vệ tàu thuyền Anh do chi phí quốc phòng bị cắt giảm liên tiếp.

{keywords}
Chiến hạm HMS Montrose đã can thiệp kịp thời xua tàu Iran tránh xa tàu dầu Anh. (Ảnh: Telegraph)

Đồng thời, Anh cũng đang phải chật vật đấu tranh trên mặt trận ngoại giao nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 mà Mỹ đã đơn phương từ bỏ. Giới chức Anh khẳng định tự do hàng hải và duy trì thỏa thuận, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) không liên quan đến nhau. Nhưng, thực tế hai vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ.

Các nhà chức trách ở London đã cân nhắc tác động đối với JCPOA trước khi lính thủy quân lục chiến nước này bắt giữ tàu dầu Iran Grace 1 ở ngoài khơi Gibraltar, vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại, theo yêu cầu của Mỹ. Lý do được đưa ra là tàu chở dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt EU đang áp đặt lên Damascus.

Một mặt, Anh tự hào về trách nhiệm thực thi luật pháp quốc tế, bao gồm cấm vận. Mặt khác, bắt giữ Grace 1 ảnh hưởng rất ít đến Syria vì nước này vẫn có thể nhập dầu từ Nga. Tuy nhiên, sự việc lại đẩy Anh vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài, chưa kể vận tải của Anh ở Vùng Vịnh sẽ có nguy cơ bị Iran trả đũa.

Cuối tuần qua, chính phủ Anh đã khuyến cáo các tàu mang cờ nước này không chở dầu qua Vùng Vịnh, dẫn tới một sự đổi hướng đột ngột của một tàu BP, British Heritage, đang trên đường đi lấy dầu ở Basra. Đến đêm 9/7, chính phủ Anh nâng mức báo động lên cấp độ 3 – cao nhất có thể, và hôm sau đó (10/7), siêu tàu dầu Heritage bị tàu Iran vây bắt (nhưng bất thành).

Theo The Guardian, thông tin báo chí đăng tải vụ Heritage cùng sự can thiệp của chiến hạm HMS Montrose đuổi tàu Iran tránh xa con tàu này ban đầu lại xuất phát từ Mỹ chứ không phải Bộ Quốc phòng Anh.

Anh hiện không có nhiều tàu dầu lớn trong khu vực, chỉ khoảng 50 trong tổng số 800 tàu – nhưng chúng có nguy cơ trở thành mục tiêu và không phải tàu nào cũng được bảo vệ.         

Trong khi đó, đối thoại giữa Iran cùng với Anh, Pháp và Đức nhằm cứu vãn JCPOA hiện nay đang ở giai đoạn nhạy cảm nhất. Nhiều tuần qua, Tehran đã từng bước giảm bớt tuân thủ các cam kết đặt ra trong thỏa thuận, trong nỗ lực buộc châu Âu phải hành động nhiều hơn nữa để phản đối chính sách của Mỹ. 

Thanh Hảo