Các hoạt động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này đều mang tính biểu tượng cao, hãng CNN cho biết.

Cụ thể, hôm 20/5, ông Tập đã lần đầu tiên đi thị sát một công ty sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tây, nằm ở phía đông nam Trung Quốc. Đất hiếm là một loại nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh, tia laser, các hệ thống tên lửa, chất siêu dẫn, và nhiều thứ khác.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm nhà máy đất hiếm. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo số liệu của Viện Khảo sát Địa chất Mỹ, có đến hơn 80% lượng đất hiếm được nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 2014-2017 đều từ Trung Quốc. Và đây là một trong số ít những mặt hàng của Bắc Kinh không bị chịu mức áp thuế mới gần đây bởi Washington.

Trong chuyến thăm và thị sát nhà máy sản xuất đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, ông Tập đã đi cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc. Và dù giới chức Trung Quốc luôn bác bỏ những đồn đoán xung quanh chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo này, thì các nhà phân tích đều hiểu rõ mục đích của chuyến thăm.

Thời báo Hoàn cầu, một trong những tờ báo của chính phủ Trung Quốc cho biết, chuyến thăm này của ông Tập là “một sự động viên lớn đối với nền công nghiệp quan trọng, mà được nhiều người biết đến là một trong những lợi thế của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ”. Thậm chí tuần trước tờ báo này còn đưa ra nhận định rằng, nhu cầu sử dụng đất hiếm của Washington chính là “một quân bài quan trọng trong tay Bắc Kinh”.

“Sẽ mất nhiều năm để Mỹ xây dựng lại ngành công nghiệp đất hiếm trong nước, và gia tăng nguồn cung ứng nội địa để giảm phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc. Khoảng thời gian ấy đủ dài để Trung Quốc giành được chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, bởi trong lúc đó thế độc quyền của Trung Quốc về sản xuất đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát được thứ được coi là ‘huyết mạch’ đối với lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao của Mỹ”, theo bài viết được đăng trên trang Thời báo Hoàn cầu.

Tuy vậy, dù đất hiếm có thể là điểm yếu hiện tại của Mỹ, nhưng điều này chưa chắc mang lại lợi thế lớn như Trung Quốc vẫn nghĩ, theo CNN.

Vũ khí 

Hồi năm 2010, sau khi xảy ra xung đột với Nhật Bản vì các đảo tranh chấp, khi đó một thuyền trưởng tàu cá đã bị phía Tokyo bắt giữ, Bắc Kinh liền ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật. Sau quyết định trên của Trung Quốc, phía Nhật Bản đã lập tức trả tự do cho thuyền trưởng bị bắt giữ, một động thái đã bị chỉ trích là “một sự rút lui đáng xấu hổ”.

Việc sử dụng thế độc quyền về đất hiếm làm lợi thế nhằm gây sức ép buộc đối phương phải nhượng bộ của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia phải lo ngại, trong đó có Washington. Thậm chí Quốc hội nước này đã phải mở một phiên điều trần có tên gọi “Sự độc quyền của Trung Quốc đối với đất hiếm: Ý nghĩa đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ” để thảo luận về vấn đề này.

Đã gần một thập kỷ kể từ hồi đó, nhiều chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về mức độ nguy hiểm của quân bài đất hiếm của Bắc Kinh. Trung Quốc đòi thả được công dân của mình, nhưng vấn đề tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền trên đảo Senkaku, hay còn gọi là đảo Điếu Ngư vẫn đang diễn ra.

{keywords}
Số liệu sản xuất đất hiếm trên toàn thế giới năm 2016. Ảnh: USGS

Ông Eugene Gholz, cựu chuyên gia tư vấn cho chính phủ Mỹ về đất hiếm, đã viết trong một bản báo cáo cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ rằng lợi thế sức mạnh đất hiếm của Trung Quốc năm 2010 là lớn nhất từ trước tới nay, “nhưng dù ngay cả trong hoàn cảnh thuận lợi như thế, Trung Quốc vẫn khó có thể khai thác được hết toàn bộ sức mạnh của thị trường và đòn bẩy chính trị”.

“Bài học lớn ở đây là các nhà hoạch định chính sách không nên chịu khuất phục trước áp lực phải hành động nhanh hoặc với quy mô lớn khi phải đối mặt với các mối đe dọa về nguyên liệu thô. Không phải mối đe dọa nào cũng đáng sợ như cuộc khủng hoảng dầu mỏ hồi năm 1973”, ông Gholz nêu dẫn chứng về lệnh cấm vận dầu mỏ do các thành viên Ảrập trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa ra nhằm phản đối Mỹ hỗ trợ quân đội Israel hồi 1973.

“Cần cực kỳ thận trọng về việc phóng đại các mối đe dọa về nguyên liệu thô, bởi khi các nhà phân tích chính sách đối ngoại hoặc tình báo nhìn thấy mối nguy đối với thị trường và nền kinh tế, thì một số doanh nghiệp cũng có thể thấy được các cơ hội để tranh thủ cạnh tranh và kiếm lợi nhuận, giảm thiểu sự rủi ro”, theo nhận định của ông Gholz.

Điểm yếu của sức mạnh

Mặc dù có tên là “đất hiếm”, nhưng khoáng sản này thực sự không “hiếm” đến vậy. Đây là loại khoáng chất rất khó khai thác, và thậm chí có thể gây ra sự hủy hoại tới môi trường để khai thác và tinh chế, nhưng một số nguyên tố của đất hiếm lại thuộc dạng khoáng sản dồi dào nhất trên thế giới. Đồng thời, không giống với như dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác, nhu cầu sử dụng thường xuyên và số lượng lớn đối với các loại đất hiếm cũng không lớn bằng.

Nhiều loại sản phẩm cần dùng tới đất hiếm cũng chỉ cần một lượng rất nhỏ, khiến loại nguyên liệu này còn có tên là là “vitamin của công nghệ hiện đại”. Do vậy, kể cả khi loại mặt hàng này bị đánh thuế thì cũng sẽ không có ảnh hưởng gì ngay lập tức. Ngoài ra, Mỹ cũng đã dự trữ một lượng lớn những loại đất hiếm chủ chốt, nhất là các loại được sử dụng trong ngành công nghiệp quốc phòng.

{keywords}
Quân bài “đất hiếm” của Bắc Kinh liệu có phát huy hiệu quả với Mỹ. Ảnh: Americangeosciences

Trên thực tế, thế độc quyền của Trung Quốc đối với mặt hàng đất hiếm không giống như nhiều người vẫn nghĩ. Dù nước này hiện chiếm thị phần lớn về đất hiếm trong thương mại toàn cầu, nhưng họ có được điều đó là do có những quy định lỏng lẻo trong bộ luật môi trường. Điều này đã giúp Trung Quốc khai thác, trích xuất và tinh chế với giá thành thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Nhưng những năm gần đây, lợi thế này đã bị thu hẹp lại, khi chính quyền Bắc Kinh xử lý mạnh tay các công ty sản xuất đất hiếm hoạt động trái phép.

Ngoài ra, hiện Trung Quốc sở hữu khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước sử dụng đất hiếm hàng đầu thế giới do có nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài Trung Quốc, thì các mỏ đất hiếm cũng được phát hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới như Nhật Bản, Đông Nam Á, Australia, và một số khu vực nằm tại phía đông và phía nam châu Phi.

Mặt khác, các công ty công nghệ cũng đã bắt đầu tìm ra các giải pháp mới để việc dùng đất hiếm được tiết kiệm và hiệu quả hơn. Trong một bản báo cáo về trách nhiệm đối với môi trường gần đây, tập đoàn công nghệ Apple cho biết, họ đã bắt đầu tiến hành việc tái chế đất hiếm từ những chiếc điện thoại iPhone cũ và các sản phẩm khác.

Theo bình luận của các chuyên gia của CNN, hiện Trung Quốc không chỉ gặp khó khăn từ Washington, mà ngay cả kinh tế nước này cũng đang có nhiều dấu hiệu về các ảnh hưởng xấu bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Và quân át chủ bài đất hiếm cũng chỉ giúp cho Trung Quốc thấy rằng đây có thể là một canh bạc không thành công.

Tuấn Trần