“Chúng tôi ước tính 115.000 nhân viên y tế đã phải đánh đổi tính mạng của mình cho việc cứu người”, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại buổi khai mạc kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO ngày 24/5.

“Trong gần 18 tháng, các bác sĩ và nhân viên y tế trên toàn thế giới đã đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì nhân loại. Có nhiều người đã ngã xuống”, ông Tedros cho hay.

{keywords}
WHO ước tính ít nhất 115.000 nhân viên y tế đã tử vong bởi Covid-19 từ thời điểm dịch bệnh bùng phát cho đến nay. Ảnh: AP

Cũng theo Tổng giám đốc WHO, kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, nhân viên y tế tại nhiều nước đã rơi vào tình trạng thất vọng, bất lực khi không được bảo vệ, thiếu khả năng tiếp cận với các thiết bị bảo hộ và vắc-xin.

Ông mô tả sự bất bình đẳng về vắc-xin là vấn đề then chốt cần được khắc phục, và chính nó đang khiến dịch bệnh kéo dài thêm. Hơn 75% tổng số vắc-xin Covid-19 trên thế giới hiện mới chỉ được cung cấp cho 10 quốc gia.

Nhà lãnh đạo WHO cho rằng, số lượng vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu cho đến nay sẽ đủ cung cấp cho tất cả nhân viên y tế và người cao tuổi trên thế giới, nếu chúng được phân phối một cách công bằng. Ông kêu gọi những quốc gia có trữ lượng lớn vắc-xin Covid-19 chia sẻ và hợp tác nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất và phân phối vắc-xin ra thế giới.

“Chúng tôi đang vận chuyển từng liều một trong tổng số 72 triệu liều mà chúng tôi đang có đến 125 quốc gia và vùng lãnh thổ”, ông Tedros cho biết. “Hôm nay, tôi kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới”.

Đồng thời, ông kêu gọi mở rộng phạm vi này lên 30% dân số thế giới vào cuối năm nay.

Malaysia tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục

Bộ Y tế Malaysia hôm 24/5 đã ghi nhận thêm 61 ca tử vong bởi Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ thời điểm dịch bệnh mới bùng phát ở nước này.

Cơ quan này cũng cho biết, tất cả 61 nạn nhân đều là công dân Malaysia, tuổi từ 27 đến 98. Nhiều người trong số họ từng mắc các bệnh nền như cao huyết áp và tiểu đường. 55 người đã tử vong khi được điều trị trong bệnh viện.

Malaysia cũng đã ghi nhận 6.509 ca nhiễm mới trong ngày 24/5, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên hơn 518.600 người, trong đó có 2.309 ca tử vong. 711 bệnh nhân đang ở trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, một con số kỷ lục khác theo ghi nhận từ trang tin của CNA.

Cũng trong hôm 24/5, Bộ Y tế Malaysia tuyên bố đã phát hiện thêm 20 cụm lây nhiễm mới, trong đó có 8 cụm từ nơi làm việc, 6 cụm từ các địa điểm công cộng, và 3 cụm từ các hoạt động tôn giáo. Tổng cộng, quốc gia Đông Nam Á này đã xác định được 2.045 cụm dịch Covid-19, trong đó có 1.475 cụm đã được kiểm soát, và 570 cụm vẫn còn có nguy cơ lây nhiễm.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Y tế Malaysia, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này sẽ lên tới 9.000 ca vào đầu tháng 6 tới, nếu các biện pháp quản lý an toàn giữa mùa dịch bệnh không được người dân tuân thủ.

Trung Quốc bác tin 3 nhà nghiên cứu ở Vũ Hán nhập viện từ tháng 11/2019

Hôm 23/5, báo Wall Street Journal, dẫn một hồ sơ chưa được công bố của tình báo Mỹ, cho biết 3 nhà nghiên cứu từ Viện Virus học Vũ Hán từng phải nhập viện từ hồi tháng 11/2019, tức chỉ 1 tháng trước khi Trung Quốc chính thức ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Hồ sơ này còn cung cấp những chi tiết mới về "số nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng, thời gian ủ bệnh và thời điểm nhập viện". Theo Wall Street Journal, điều này có thể làm tăng thêm sức nặng cho những lời kêu gọi về việc tiến hành một cuộc điều tra rộng hơn về khả năng virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/5, khi được phóng viên hãng tin Bloomberg đặt câu hỏi về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời: "Thông tin mà bạn đề cập về việc 3 người tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh là hoàn toàn sai sự thật".

Trích dẫn một tuyên bố từ Viện Virus học Vũ Hán, ông Triệu Lập Kiên cho biết cơ sở này không hề bị phơi nhiễm với virus corona, và không có nhân viên nghiên cứu nào nhiễm Covid-19 trước thời điểm 30/12 năm 2019.

Một số thông tin đáng chú ý khác

- Theo trang thống kê Worldometers, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới cho đến sáng 25/5 là 167.961.605, trong đó có 3.486.280 ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ virus corona.

- Giới chức Singapore mới đây đã tạm thời phê chuẩn việc sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh Covid-19 qua đường thở do startup nội địa Breathonix phát triển. Công ty cho biết thiết bị xét nghiệm của mình có khả năng trả kết quả chỉ trong vòng 60 giây, với tỷ lệ chính xác lên tới hơn 90% sau các thử nghiệm lâm sàng trong nước.

- Theo thông tin từ một quan chức y tế cấp cao của Thái Lan hôm 24/5, nước này sẽ mở rộng thời gian chờ từ thời điểm tiêm liều đầu tiên đến thời điểm tiêm liều thứ hai của vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất lên thành 16 tuần, trong một nỗ lực nhằm tiêm chủng cho nhiều người trưởng thành trong nước với tốc độ nhanh hơn.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Việt Anh

Tổng thư ký LHQ kêu gọi chống Covid-19 như trong 'thời chiến'

Tổng thư ký LHQ kêu gọi chống Covid-19 như trong 'thời chiến'

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định thế giới vẫn đang trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi quốc tế áp dụng "logic thời chiến" để phòng chống dịch bệnh.

Nhiều nước châu Á đẩy mạnh sản xuất, tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19

Nhiều nước châu Á đẩy mạnh sản xuất, tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19

Nhiều nước châu Á thời gian gần đây đã đẩy mạnh công tác sản xuất và tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, trong nỗ lực đánh bại dịch bệnh.