Thế giới từng trải qua nhiều trận dịch trong quá khứ, và Covid-19 không phải là ngoại lệ. Dù chưa phải là dịch bệnh nguy hiểm nhất mà nhân loại từng phải đối mặt, nhưng Covid-19 đã lây lan khắp nơi, gây ảnh hưởng đến cả thế giới. Theo ước tính của tạp chí The Economist, Covid-19 đã khiến từ 10 đến 19 triệu người tử vong trên toàn cầu.

{keywords}
Số lượng người tử vong bởi Covid-19 và số liều vắc xin Covid-19 đã sử dụng tính đến tháng 10.2021. Nguồn Economist, Our World in Data

Song, dịch bệnh nào rồi cũng sẽ chấm dứt khi số người có khả năng miễn dịch đủ để virus không còn duy trì được sự phát triển của nó. Đến nay, đậu mùa là bệnh duy nhất trên người được loại bỏ hoàn toàn. Những dịch bệnh khác, như cúm, sởi hay bệnh tả… chỉ có thể được kiểm soát dần dần chứ chưa thể bị loại bỏ bằng vắc xin hay các phương pháp điều trị y tế khác.

Về điểm này, Covid-19 có vẻ tương đồng. Tuy nhiên, điểm mới mẻ là việc phát triển vắc xin cũng như các phương pháp điều trị đang đẩy nhanh tiến trình biến Covid-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu. Điều này đồng nghĩa với việc virus vẫn có thể tồn tại, nhưng số người nhiễm được duy trì ở mức ổn định và không còn gây ra những thảm kịch về y tế.

Trở thành bệnh đặc hữu

Theo The Economist, hầu hết các chính phủ đều đồng ý với quan điểm rằng tiêu diệt hoàn toàn virus corona là bất khả thi. Xã hội cũng không thể chịu đựng được các biện pháp phong tỏa hay cách ly nghiêm ngặt lặp đi lặp lại mãi. Sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan càng làm cho việc áp đặt những biện pháp trên trở nên khó khăn hơn.

{keywords}
Tỷ lệ người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 với tỷ lệ người nhiễm HIV theo thu nhập từng quốc gia, tính đến 5.10.2021. Nguồn UNAIDS

Thay vào đó, mọi quốc gia sẽ phải tìm cách sống chung với Covid-19. Con người từng làm điều tương tự đối với bại liệt và sởi, hai dịch bệnh từng hoành hành khắp thế giới. Dù vậy, Covid-19 khó có thể đi theo hướng tương tự, bởi những người được tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm và truyền bệnh, dù là với các triệu chứng nhẹ.

Theo ước tính của Tiến sĩ Trevor Bedford thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), ảnh hưởng trong tương lai của Covid-19 sẽ nằm đâu đó ở khoảng giữa virus cúm cùng các loại virus corona thông thường khác. Ông tin rằng, gánh nặng mà Covid-19 gây ra trong vài năm tới chỉ tương tự như bệnh cúm.

{keywords}
Ảnh Diplomatic Courier

Chuyên gia David Heymann tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) thì cho rằng, độ lây lan của Sars-CoV-2 khác với virus gây cúm mùa. Một phần vì chúng không bùng phát từ trẻ em, phần khác là vì vắc xin hiệu quả trong ngăn các ca tử vong hoặc nhiễm bệnh nghiêm trọng, mà không đòi thay đổi công thức tùy theo các biến thể mới.

Dù những đối tượng dễ bị tổn thương vẫn cần tiêm vắc xin bổ sung, song Tiến sĩ Heymann cho rằng ngay cả khi mùa đông đến, tỷ lệ tử vong bởi Covid-19 cũng khó có thể cao hơn cúm mùa.

Gian nan miễn dịch cộng đồng

Trên toàn cầu, những làn sóng Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn bởi khả năng miễn dịch cộng đồng và chỉ còn tồn tại giữa các nhóm người còn “ngây thơ” về miễn dịch. Theo thời gian, sự bùng phát sẽ ngày càng ít đi, và Covid-19 sẽ sớm chuyển hóa thành bệnh đặc hữu.

{keywords}
Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới, tính đến giữa tháng 9.2021. Nguồn DW, Our World in Data

Dù vậy, đặc tính và tốc độ lưu hành của virus corona đối với từng quốc gia sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tỷ lệ dân số miễn dịch với virus và tính lâu dài của tỷ lệ này; Cách thức điều trị Covid-19; Cách virus corona có thể phát triển.

Hiện tại, vắc xin đã rút ngắn con đường đưa Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu đối với 1/3 dân số thế giới, khi đã có khoảng 3,8 tỷ người được tiêm ít nhất một mũi và 2,8 tỷ người được tiêm đủ liều. Con số này, cộng với số người khỏi bệnh, cho thấy dường như hơn một nửa dân số thế giới đã phát triển được khả năng miễn dịch đối với virus corona.

Tuy nhiên, phần lớn số người có được khả năng miễn dịch bằng vắc xin chủ yếu là ở nước giàu, trong khi ở những nơi nghèo, đa số người phát triển được kháng thể là do từng bị nhiễm Covid-19. Một điều đáng chú ý khác là một số nơi đã chứng kiến tốc độ phân phối vắc xin nhanh hơn khả năng lây lan của virus, song cũng chỉ là những nước giàu.

Hiện tại, mức độ miễn dịch chung của thế giới đối với Covid-19 chưa thể bằng được các bệnh đường hô hấp khác. Đó là vì tất cả mọi người đều đã từng tiếp xúc với các bệnh hô hấp đời cũ nhiều lần trong đời, đặc biệt là khi còn nhỏ. Mỗi lần tiếp xúc như vậy đều mang đến một cơ hội mới để nâng cấp hệ thống miễn dịch.

Theo Tiến sĩ Ali Ellebedy từ trường Y thuộc Đại học Washington ở bang Missouri (Mỹ), nhân loại sẽ phải mất hàng thập kỷ để đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Do đó, quá trình suy giảm dịch bệnh trong những năm tới sẽ diễn ra chậm, song song với sự mở rộng hơn số người hình thành khả năng miễn dịch do nhiễm bệnh.

Thuốc đặc trị là chưa đủ

Covid-19 gần như chắc chắn sẽ trở thành căn bệnh mà nhân loại có thể chung sống. Bên cạnh các phương thuốc kháng virus sử dụng ở bệnh viện như Remdesivir, hay AZD7442 đang được AstraZeneca thử nghiệm, thế giới sắp có các loại thuốc có thể dùng tại nhà. Triển vọng nhất có thể kể đến là thuốc viên Molnupiravir của hai hãng dược Merck và Ridgeback.

{keywords}
Tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới, tính đến giữa tháng 9.2021. Nguồn DW, Our World in Data

Tuy nhiên, điều đáng để lo ngại là virus có thể tiến hóa để ngăn các liệu pháp kháng virus đơn dòng. Daniel Altmann, nhà miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nói: “Chúng ta chưa được trang bị đủ kiến ​​thức để dự đoán dòng thời gian tiến hóa của virus corona, vì bản chất đột biến của loại virus này là khó có thể đoán định”.

Và ngay cả khi Covid-19 đã chuyển hóa thành bệnh đặc hữu, nó vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới. Do đó, thế giới ngoài việc tiếp tục phân phối càng sớm càng tốt vắc xin đến tay những người dễ bị tổn thương, còn phải duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… để có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo tạp chí The Economist, chặng đường để thế giới tiến tới trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19 vẫn còn rất gập ghềnh.

Việt Anh

Dân không chịu tiêm ngừa, Nga gánh kỷ lục số ca Covid-19 tử vong

Dân không chịu tiêm ngừa, Nga gánh kỷ lục số ca Covid-19 tử vong

Tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Nga đã vượt mốc 8 triệu, tương đương hơn 5% dân số nước này, và số bệnh nhân tử vong tính theo ngày ở mức kỷ lục khoảng 1.000 ca. 

Thái Lan ngưng sử dụng vắc-xin Sinovac

Thái Lan ngưng sử dụng vắc-xin Sinovac

Nga tiếp tục chạm đỉnh số ca nhiễm mới Covid-19 với 34.325 ca. Trong khi, Thái Lan sẽ ngừng sử dụng vắc xin Sinovac của Trung Quốc sau khi phân bổ hết nguồn cung hiện có.