Vào khoảng 8 giờ tối ngày 28/5/2018, các nhân viên cứu hỏa ở Paris nhận được tin về một đứa trẻ 4 tuổi sắp rơi khỏi ban công tầng 4 tại một khu căn hộ ở phía bắc thành phố.

Nhưng khi đến nơi, họ bất ngờ nhận ra đứa bé được một thanh niên da màu cao lớn giải cứu an toàn.

Chàng thanh niên 22 tuổi tên là Mamoudou Gassama, một người gốc Mali mới nhập cư vào Pháp. Mamoudou cho biết khi đang đi ngang qua khu căn hộ trên, anh nghe thấy rất nhiều người đang la hét và bóp còi xe.

{keywords}
Chàng thanh niên gốc Mali Mamoudou Gassama. Ảnh: French Morning

Sau khi phát hiện có một đứa trẻ đang lơ lửng trên lan can tầng 4 của khu căn hộ, không chút do dự, Mamoudou lập tức dùng tay không trèo một mạch lên tận 4 tầng ban công, và nhanh chóng nhấc đứa trẻ khỏi nơi nguy hiểm với sự hỗ trợ của các nhân viên cứu hỏa.

“Tôi cứ thế leo lên. Tạ ơn Chúa, đứa bé đã được cứu”, người thanh niên cho biết khi được phỏng vấn. “Tôi đã rất sợ sau khi giải cứu đứa bé. Lúc vào trong phòng khách của căn hộ, tôi run rẩy đến mức không thể đứng vững, mà phải tìm chỗ để ngồi”.

Đoạn video của một nhân chứng cho thấy, hành động của Mamoudou chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 30 giây, và rất nhiều người bên dưới đã cổ vũ reo hò khi chàng thanh niên thực hiện pha giải cứu ngoạn mục. Khi được đăng tải lên các trang mạng xã hội, đoạn video đã thu hút tới hàng triệu lượt xem chỉ trong vòng nửa ngày.

Pha giải cứu ngoạn mục chỉ trong 30 giây của Mamoudou Gassama. Video: Euronews

Kể từ đó, một chương mới đã bất ngờ mở ra đối với cuộc đời của chàng thanh niên nhập cư không giấy tờ vào Pháp từ cuối năm 2017. Chỉ sau một đêm, Mamoudou Gassama đã được người dân Pháp xem như một người hùng, đồng thời đặt cho rất nhiều biệt danh như "Người nhện đen", "Người nhện châu Phi". Thị trưởng Paris khi đó là Anne Hidalgo đã trực tiếp gọi điện tuyên dương hành động dũng cảm của anh.

Một món quà đáng giá hơn cả đối với Mamoudou, đó là việc anh được Tổng thống Emmanuel Macron mời đến Điện Élysée vào ngày 28/5/2018, và được đích thân người đứng đầu nước Pháp trao quốc tịch. Đây là một đặc quyền hiếm có nếu so với những người nhập cư khác, vốn phải ở lại Pháp tối thiểu 5 năm mới được xét quốc tịch.

"Hành động đầy quả cảm này là minh chứng tiêu biểu cho một số giá trị góp phần nối kết các thành viên trong các cộng đồng của đất nước, như lòng can đảm, sự xả thân, lòng vị tha, sự chú tâm đến những trường hợp đang nguy kịch". Đó là những lời giải thích trong quyết định công nhận quốc tịch cho Mamadou đã được Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đặt bút ký.

{keywords}
Mamoudou Gassama trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Hai tuần sau cuộc giải cứu, Gassama trở về Mali theo lời mời của Tổng thống nước này. Tại thủ đô Bamako, anh cũng được chào đón như một người hùng dân tộc, và đã có cơ hội được đoàn tụ với cha mình lần đầu tiên kể từ năm 2011. Hồi đó, Mamoudou đã di cư đến châu Âu khi mới 15 tuổi, đi qua rất nhiều nước Bắc Phi và khu vực Địa Trung Hải trước khi có thể đặt chân đến Pháp.

Cũng trong năm 2018, chàng trai người gốc Mali còn được kênh truyền hình Black Entertainment Television (BET) trao tặng giải “Anh hùng nhân đạo" vì hành động dũng cảm của mình, trong sự kiện BET Awards được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ).

Sau những giải thưởng và tôn vinh, Mamadou đã được chính quyền thành phố Montreuil cưu mang, cho đi học tiếng Pháp để nhanh chóng hòa nhập với xã hội mới. Thậm chí, anh còn được đội cứu hỏa Paris ngỏ lời mời vào thực tập vị trí nhân viên cứu hộ, trong khoảng 10 tháng.

{keywords}
Mamoudou Gassama trong lễ trao giải BET Awards 2018. Ảnh: Deluxe Kitoko

Dù cũng có mơ ước trở thành một nhân viên cứu hộ, song Mamadou buộc phải bỏ dở công việc này, để có thời gian điều trị các chứng bệnh về đường máu. Trong thời gian điều trị, anh đã chuẩn bị cho việc ra mắt một cuốn hồi ký, kể lại cuộc đời mình từ khi rời nhà rong ruổi qua các nước châu Phi, cho đến khi lên thuyền vượt biển vào châu Âu.

Mamadou cũng thổ lộ rằng, anh mong muốn sẽ học tiếng Pháp thật tốt để sau này sẽ mở một hiệp hội giúp đỡ những người nhập cư, nhằm nối dài giấc mơ có thật của đời mình.

Việt Anh

Mắc kẹt trên vũ trụ, phi hành gia trở thành 'công dân Liên Xô cuối cùng'

Mắc kẹt trên vũ trụ, phi hành gia trở thành 'công dân Liên Xô cuối cùng'

Sergei Krikalev bị "bỏ rơi" trên trạm vũ trụ Mir, và ngày được trở về, đất nước Liên Xô của ông đã không còn tồn tại.

Nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới từng đi phát báo kiếm sống

Nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới từng đi phát báo kiếm sống

Trở thành Thủ tướng trẻ nhất thế giới ở tuổi 34 vào tháng 12/2019, bà Sanna Marin cho biết, gia đình từng gặp khó khăn về tài chính, nên năm 15 tuổi bà đã làm tại một hiệu bánh và đi phát tạp chí để kiếm tiền.