Chính phủ Anh xác nhận gần như toàn bộ các hạn chế về Covid 19 tại nước này sẽ được gỡ bỏ vào ngày 19/7.

Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các hạn chế pháp lý về giãn cách xã hội sẽ được gỡ bỏ. Yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở một số địa điểm công cộng sẽ hết hiệu lực. Các hộp đêm sẽ được mở cửa trở lại, và hạn chế về số người được phép gặp nhau cũng không được áp dụng nữa.

Đến nay đã có một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế chống dịch Covid-19 và đạt được những kết quả khác nhau. BBC nêu ra thực tế ở những nước này hiện nay.

Israel

Song song với chiến dịch tiêm vắc xin "thần tốc", Israel bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ tháng 2.

{keywords}
Quang cảnh tại chợ Sarona, Tel Aviv, ngày 13/7. Ảnh: Flash90

Tính đến giữa tháng 6, khi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin cho quá nửa dân số, Israel bắt đầu bỏ khẩu trang và trở về với cuộc sống như trước thời đại dịch. Các cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn và rạp chiếu phim mở cửa trở lại hoàn toàn.

Từ đó, số ca lây nhiễm được ghi nhận hàng ngày lại tăng lên, chí đạt đỉnh điểm trong 4 tháng, chủ yếu do biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn. Tuy vậy, các nhà chức trách khẳng định số ca nhiễm nghiêm trọng và phải nhập viện tương đối thấp. 

Tình trạng các ca nhiễm tăng cao đã buộc chính quyền của tân Thủ tướng Naftali Bennett phải tính toán lại phần nào chiến lược chống dịch. Một phương pháp "dập dịch mềm" được đặt ra, và người Israel được yêu cầu học cách sống chung với Covid-19. 

Các lệnh hạn chế được áp dụng trở lại, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà, và cách ly kiểm dịch đối với toàn bộ những người nhập cảnh vào Israel.

Hà Lan

Với việc tỷ lệ tiêm vắc xin tăng nhanh và các ca lây nhiễm giảm, Hà Lan tiến hành mở cửa trở lại vào cuối tháng 6. Quy định đeo khẩu trang được bỏ ở hầu hết các địa điểm, và thanh niên được khuyến khích sinh hoạt ngoài trời trở lại.

Sau đó, số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh, vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Tuy nhiên, việc nới lỏng không làm tăng đáng kể số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện.

Do bị chỉ trích mạnh mẽ từ giới chức ngành y tế, Thủ tướng Mark Rutte buộc phải quay trở lại với các biện pháp hạn chế vào ngày 16/7, chỉ 2 tuần sau lệnh bãi bỏ. Các nhà hàng và quán bar lại phải đóng cửa từ nửa đêm, trong khi các câu lạc bộ đêm ngưng hoạt động. Bản thân ông Rutte đã lên tiếng xin lỗi về "đánh giá yếu kém" của mình.

"Điều mà chúng tôi nghĩ là có thể, hóa ra lại không thể áp dụng trong thực tế," ông thừa nhận.

Trang web của chính phủ Hà Lan thông báo các biện pháp giới hạn tiếp tục có hiệu lực cho đến ít nhất ngày 13/8.

Hàn Quốc

Được ca ngợi như một tấm gương chống Covid-19 thành công, Hàn Quốc là một trong các quốc gia Đông Á đầu tiên chặn được đại dịch.

Hồi tháng 6, nước này công bố các kế hoạch cho phép những người đã tiêm vắc xin được ra ngoài không cần đeo khẩu trang, cho phép việc tụ tập theo nhóm nhỏ riêng tư, đồng thời nới lỏng thời gian các nhà hàng mở cửa hoạt động.

{keywords}
Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 ở Seoul ngày 15/7. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Hàn Quốc sẽ sớm đánh mất tâm lý cảnh giác dịch bệnh, trong khi đa số vẫn chưa được tiêm ngừa.

Và giờ đây, nước này đang đối diện với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất.

Số ca lây nhiễm hàng ngày cao kỷ lục đã buộc chính phủ phải thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội trên gần như khắp cả nước. Tại thủ đô Seoul, cư dân không được gặp quá một người sau 18h.

Chứng kiến tình trạng biến thể Delta đang lây lan nhanh trong khi tốc độ tiêm chủng chậm chạp, người dân Hàn Quốc ngày càng bớt tin tưởng vào khả năng nước này đối phó với đại dịch.

Thụy Điển

Không giống như hầu hết các nước khác, Thụy Điển từ trước đến nay chủ yếu dựa vào những biện pháp tự nguyện để khống chế virus lây lan, dù các lệnh hạn chế số giờ hoạt động của các khách sạn và số người tụ tập tại các điểm tổ chức sự kiện cũng được áp dụng.

Từ 1/7, một số quy định sau đó được nới lỏng, chẳng hạn cho phép 3.000 khán giả ngồi xem tại các sân vận động thể thao, bãi bỏ quy định về số giờ mở cửa của các nhà hàng. Đến ngày 15/7, thêm nhiều hạn chế khác được dỡ bỏ.

Kể từ mùa xuân, số ca nhiễm ở Thụy Điển giảm mạnh, được cho là nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và thời tiết ấm lên, khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoài trời.

Tuy nhiên, vì có nhiều lo ngại về biến thể Delta lây lan nhanh, Thụy Điển yêu cầu những người nước ngoài tới đây phải làm xét nghiệm Covid-19.  

Australia

Gần như suốt năm ngoái, người Australia đã được tận hưởng cuộc sống tương đối ít hạn chế. Đeo khẩu trang không phải là yêu cầu bắt buộc, do nước này nhiều ngày liên tục không có các ca nhiễm mới.

Khi có các ổ dịch bùng phát, các nhà chức trách áp dụng các đợt phong tỏa ngắn, nhằm đưa số người nhiễm về 0. Chẳng hạn, Perth đã đóng cửa trong 5 ngày hồi tháng 1 khi phát hiện ra một ca đơn lẻ.

Tuy nhiên, đợt bùng phát liên quan biến thể Delta tại Sydney hồi giữa tháng 6 đã đẩy thành phố lớn nhất Australia trở lại phong tỏa. Tình trạng này được cho là sẽ kéo dài đến ít nhất cuối tháng 7.

{keywords}
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Công viên Olympic Sydney ngày 14/7. Ảnh: Reuters

Sydney hiện đang phải đối phó tình trạng lây nhiễm hơn 100 ca mỗi ngày. Virus lây lan nhanh chóng, ngay cả trong những tuần đầu tiên áp dụng phong tỏa, tại một thành phố vốn không quen với cảnh bị hạn chế. Các nhà chức trách cho biết sẽ siết chặt phong tỏa vì nhiều người đang tìm cách lách luật bắt buộc - ở - nhà.

Với hơn 90% dân số chưa được tiêm vắc xin, giới chức Australia nhận định sẽ phải mất một thời gian nữa cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin, đặc biệt là Pfizer, có nghĩa là nhiều người Australia không thể tiêm được một mũi cho đến cuối năm nay.

Mỹ 

Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đẩy nhanh tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nhiều tiểu bang đã bắt đầu gỡ các hạn chế, xóa yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Trong tháng 6, California - tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ - tuyên bố "tái mở cửa diện rộng", còn New York gỡ bỏ gần như toàn bộ các hạn chế, nhờ tỷ lệ tiêm vắc xin vượt mức 70%.

Nhìn chung, số ca nhiễm vẫn ở mức thấp. Các trường hợp nhiễm mới dù tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần qua vẫn chưa bằng 1/10 mức trung bình hàng ngày thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1. 

Tuy vậy, đang có những lo lắng ngày càng tăng về sự lây lan của biến thể Delta.

Một số bang chưa được tiêm đủ mức vắc xin. Do tỷ lệ tiêm chủng thấp, những bang này đang khuyến nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang để đối phó với biến thể virus mới.

Ở Thành phố New York, số ca lây nhiễm tăng 1/3 chỉ trong một tuần, với một số khu vực tăng cao nhất có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất. Số ca tử vong cũng tăng nhưng không nhiều như mức độ lây nhiễm.

Các nhà chức trách cho rằng đa số những người phải nhập viện do Covid-19 là những người chưa tiêm vắc xin.

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

Thanh Hảo

Indonesia cân nhắc kéo dài hạn chế, Anh lập kỷ lục số ca Covid-19

Indonesia cân nhắc kéo dài hạn chế, Anh lập kỷ lục số ca Covid-19

Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng phụ trách ứng phó với dịch Covid-19 ở Indonesia, đang đánh giá xem liệu có nên gia hạn các biện pháp hạn chế phòng ngừa sự lây lan của virus corona hay không.