Trong những ngày đầu của dịch Covid-19, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người dân nước này tiến hành “cuộc chiến” chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng hiện tại, thông điệp của ông Macron lại là “học cách sống chung với virus”.
Duy trì trạng thái cân bằng
Từ chống dịch quyết liệt cho đến ngăn chặn âm thầm, Pháp và phần lớn các nước châu Âu đã chọn cách chung sống với Covid-19, bất chấp số ca nhiễm mới vẫn liên tục gia tăng trong giai đoạn từ hè sang thu, và nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ 2 tiếp tục ám ảnh nhiều nước.
Sau khi dần từ bỏ hy vọng sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn, hoặc chí ít có thể sản xuất được vắc-xin ngừa Covid-19 trong thời gian tới, phần lớn người dân châu Âu đã chấp nhận đi làm, đi học, trở lại nhịp sống bình thường nhất có thể, dù số người tử vong đã lên tới con số 215.000.
Nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở vùng ngoại ô Rome, Italia. Ảnh: AP |
Theo báo New York Times, phần lớn người dân châu Âu đang áp dụng triệt để những kinh nghiệm có được từ giai đoạn đầu của mùa dịch: Thường xuyên đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, cũng như đề cao tầm quan trọng của việc xét nghiệm và truy vết các ca nhiễm một cách nhanh chóng và cục bộ…
Tất cả các biện pháp trên, được thắt chặt hoặc nới lỏng khi cần thiết, nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng phong tỏa cấp quốc gia, vốn đã làm tê liệt nền kinh tế của toàn lục địa đầu năm nay.
Theo ông Emmanuel André, nhà virus học hàng đầu và là cựu phát ngôn viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ Bỉ, mọi thứ cần làm bây giờ là duy trì trạng thái cân bằng. Người dân đã quá mệt mỏi và họ không muốn bất kỳ một cuộc chiến mới nào nữa.
Trả lời phỏng vấn của báo La Stampa, Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết nước này đang ở giai đoạn chung sống với virus. Dù không thể đạt tỷ lệ lây nhiễm bằng 0, nhưng Italia hiện đã được trang bị tốt hơn để giải quyết tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm.
Dù số ca nhiễm mới vẫn tăng trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở Pháp và Tây Ban Nha, nhưng tỷ lệ tử vong đã giảm đi rất nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch. Đó là do tỷ lệ người nhiễm hiện có xu hướng trẻ hóa, và giới chức y tế đã học được cách điều trị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, William Dab, nhà dịch tễ học và cựu Giám đốc Cơ quan y tế quốc gia Pháp, cảnh báo virus vẫn đang phát tán tự do, và nếu việc kiểm soát lỏng lẻo thì những đối tượng có nguy cơ cao như người già, béo phì, bệnh nhân tiểu đường… sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Còn theo ông Hendrik Streeck, trưởng khoa virus học tại một viện nghiên cứu ở thành phố Bonn, Đức, không nên chỉ đơn thuần đánh giá mức độ nghiêm trọng của Covid-19 thông qua số ca lây nhiễm, mà phải đối chiếu với cả số ca tử vong và nhập viện.
“Chúng ta đã đạt đến một giai đoạn mà số lượng các ca nhiễm không còn nhiều ý nghĩa,” ông Sreeck khẳng định.
Những cuộc phong tỏa cấp quốc gia từng góp phần kiểm soát tình hình dịch. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng trở lại vào mùa hè, sau khi nhiều quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa và nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, không tuân theo các hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội.
Dù vậy, người dân châu Âu vẫn chấp nhận đi học và đi làm trở lại. Ông William Dab cho rằng, tình hình dù sao cũng đã được kiểm soát tốt hơn so với thời điểm tháng 3-4. Giờ đây, thách thức đối với chính phủ các nước châu Âu là tìm được sự cân bằng giữa việc phục hồi kinh tế với việc bảo vệ sức khỏe của người dân.
Quảng trường Duomo giữa thời dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Trấn an nhưng luôn cảnh giác
Đó không phải là một điều dễ dàng. Cựu Giám đốc Cơ quan y tế quốc gia Pháp nhận định, giới chức châu Âu phải tìm cách trấn an người dân để họ quay trở lại làm việc, nhưng cũng đồng thời phải tạo tâm lý cảnh giác để người dân tiếp tục tôn trọng các biện pháp phòng dịch.
Trong số các biện pháp này, đeo khẩu trang hiện đã được phổ biến, và hầu hết chính phủ các nước đều đồng ý về sự cần thiết của hành động này. Việc đeo khẩu trang đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân châu Âu, những người cách đây 6 tháng vẫn còn có thái độ hoài nghi và khó hiểu đối với những du khách đeo khẩu trang đến từ châu Á.
Bên cạnh đó, thay vì áp đặt lệnh phong tỏa cấp khu vực và nhà nước một cách triệt để, giới chức nhiều nước châu Âu, kể cả những nơi bị xem là “tâm dịch” như Pháp, bắt đầu xử lý tại các địa phương là điểm nóng Covid-19 bằng những biện pháp linh hoạt hơn.
Ở Đức, dù vẫn khai giảng năm học mới cùng các lớp học thể chất bắt buộc trên toàn quốc, giới chức vẫn cảnh báo sẽ tạm hoãn hoặc thậm chỉ hủy bỏ các sự kiện truyền thống, như lễ hội hóa trang hoặc chợ Giáng sinh. Các trận bóng tại giải Bundesliga sẽ tiếp tục được diễn ra trong điều kiện không khán giả cho đến ít nhất là cuối tháng 10 năm nay.
Ở Anh, dù không có những áp đặt quá nghiêm ngặt về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng việc thắt chặt các quy định về tụ họp gia đình vẫn được triển khai ở Birmingham, thành phố có số ca nhiễm tăng mạnh nhất. Ở Bỉ, các cuộc tụ tập công cộng vẫn bị giới hạn tối đa 6 người. Tại Italia, chính phủ đã chuyển sang phong tỏa các ngôi làng, bệnh viện hoặc thậm chí cả các khu tạm trú của dân di cư để ngăn chặn các ổ dịch mới.
Nhà dịch tễ học Antonio Miglietta, người từng tiến hành việc theo dõi quá trình tiếp xúc của các bệnh nhân Covid-19 trong một tòa nhà cách ly ở Rome vào tháng 6, cho rằng nhiều tháng chiến đấu với dịch đã giúp giới chức nước này biết cách dập dịch trước khi chúng vượt kiểm soát.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác vào thời kỳ đỉnh dịch, Pháp từng rơi vào tình trạng thiếu hụt bộ xét nghiệm trầm trọng, đến mức nhiều bệnh nhân Covid-19 không thể được xét nghiệm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Pháp có khả năng thực hiện 1 triệu cuộc xét nghiệm vào mỗi tuần, dù đôi khi có những chậm trễ về thời gian nhận lịch hẹn và nhận kết quả.
Hệ thống an sinh xã hội của Pháp đã đưa vào áp dụng một cơ chế theo dõi thủ công, để xác định những bệnh nhân Covid-19 và những người từng tiếp xúc với họ.
Khi cơ chế này mới được triển khai, mỗi bệnh nhân khai báo trung bình tiếp xúc với khoảng 2 đến 4 người, chủ yếu là các thành viên trong gia đình. Con số này tăng lên hơn 5 người vào tháng 7, nhưng đã giảm dần xuống dưới 3 người, dù số ca nhiễm Covid-19 cùng kỳ tăng gấp 10 lần, theo số liệu do báo New York Times tổng hợp.
Vào thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19, hầu hết người dân Pháp đều kịch liệt chỉ trích cách xử lý dịch bệnh từ chính phủ. Nhưng các cuộc thăm dò hiện nay đều cho thấy đa số người dân tin rằng Chính phủ Pháp sẽ xử lý làn sóng lây nhiễm thứ hai tốt hơn làn sóng đầu tiên.
Theo ông Jérôme Carrière, một cảnh sát 55 tuổi ở miền bắc nước Pháp, ban đầu mọi người đã rất sốc trước số ca nhiễm và tử vong do Covid-19. Nhưng sau đó, người dân đã dần thích nghi và quay trở lại nhịp sống bình thường.
Việt Anh
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.