Đông Ấn Hà Lan (thuộc địa của Hà Lan, nay là Indonesia) là vùng đất có nhiều tài nguyên chiến lược, đặc biệt là dầu mỏ. Đây là nguyên nhân khiến Nhật quyết định sớm đánh chiếm vùng đất này.

Nhận thức được tầm quan trọng của chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh Nhật Bản đã điều động lực lượng hải, lục, không quân lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác ở Đông Nam Á. Và nếu như các chiến dịch đánh chiếm Malaysia, Singapore, Miến Điện và Philippines đều giao cho tư lệnh tập đoàn quân (quân hàm cấp trung tướng) thì chiến dịch này do đích thân Thống chế Tư lệnh Đạo quân Phương Nam Hisaichi Terauchi trực tiếp chỉ huy.

{keywords}
Lính Nhật đổ bộ lên đảo Java. Ảnh: Wikipedia

Từ tháng 11/1941, Bộ tư lệnh Đạo quân Phương Nam đã soạn thảo xong kế hoạch đánh chiếm Đông Ấn Hà Lan. Theo đó, ba cụm quân sẽ đảm nhiệm một trận tuyến kéo dài 2.000 dặm từ đông sang tây và 1.000 dặm từ bắc xuống nam: cụm phía đông từ thành phố Davao, Philippines sẽ đánh chiếm đảo Celebes, đảo Ambon, quần đảo Moluccas và Timor; cụm quân phía tây đánh chiếm Palembang; còn cụm quân trung tâm, mục tiêu là các cơ sở dầu mỏ tại Tarakan và Balikapan.

Lực lượng tham gia, ban đầu là Sư đoàn Bộ binh 2 và hai Lữ đoàn Bộ binh 35 và 46 thuộc Tập đoàn quân 16. Giai đoạn sau của chiến dịch có thêm Sư đoàn 38 và 48. Hạm đội 2 nhận nhiệm vụ yểm trợ hải quân cho chiến dịch. Tổng số binh lực tham gia có 50.000 quân cùng 52 tàu chiến, 18 tàu ngầm, 331 máy bay…

Trong khi đó, lực lượng bảo vệ quần đảo Indonesia nằm dưới quyền Bộ Chỉ huy Liên quân bốn nước Mỹ - Anh - Hà Lan - Úc (ABDA) được thành lập ngày 3/1/1942, có 148.000 quân trong đó 40.000 lính Hà Lan, 100.000 lính địa phương,, 8.000 lính Anh-Mỹ; 33 tàu chiến; 234 máy bay…     

Ngày 17/12/1941, quân Nhật bắt đầu chiến dịch bằng các cuộc đổ bộ lên  trung tâm sản xuất dầu mỏ Miri nằm ở phía bắc Sarawak, lên Seria, Kuching  (thủ phủ và thành phố đông dân nhất của bang Sarawak, Malaysia), Jesselton và Sandakan (nay thuộc bang Sabah, Malaysia). Các cuộc đổ bộ này kết thúc thành công vào ngày 19/1/1942.

Ngày 11/1/1942, quân Nhật chiếm được đảo Tarakan nằm ở phía đông đảo Borneo. Một ngày sau đó (12/1), 1.300 lính Hà Lan tại đây đầu hàng; đến lúc này Nhật mới chính thức tuyên chiến với Đông Ấn Hà Lan.

Sau Takaran, quân Nhật chuyển sang tấn công Balikapan và đến ngày 26/1 thì chiếm được trung tâm dầu mỏ này. Ngày 31/1, quân Nhật đổ bộ lên đảo Ambon và chiếm được đảo sau ba ngày. Ngày 14/2, lính dù Nhật xuất phát từ Malaysia đổ bộ xuống Palembang; Palembang thất thủ chỉ một ngày sau đó. Để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Bali cũng như dọn đường cho cuộc tấn công Java, ngày 19/2, hải quân Nhật tiến hành oanh kích căn cứ Darwin (Australia) và vô hiệu hóa căn cứ này.

Trận chiến Java

Hòn đảo Java có 9.000 lính Hà Lan chính quy, 14.000 lính Hà Lan tình nguyện, 126.000 lính bản địa, 3.5000 lính Anh, 3.000 lính Úc và một tiểu đoàn pháo binh Mỹ phòng thủ.

Ngày 18/2/1942, phần lớn lực lượng Tập đoàn quân 16 Nhật rời quân cảng Cam Ranh (Việt Nam) tiến về phía nam. Tại ngoài khơi Biển Đông, họ sáp nhập với đoàn tàu hộ tống khởi hành từ cảng Cao Hùng (Đài Loan) thành một hải đoàn đặc nhiệm đổ quân lên bờ biển phía tây đảo Java.

Cũng trong thời gian trên, một hải đoàn đặc nhiệm nữa xuất phát từ cảng Davao (phía nam Philippines) chở theo một sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị phối thuộc, được sự yểm trợ của 4 tàu tuần dương và 14 tàu khu trục, đưa quân đổ bộ lên bờ biển phía đông Java. Hai hải đoàn đặc nhiệm chuyên chở hơn 100.000 quân, tạo thành hai gọng kìm tiến đánh Java.

Đúng vào lúc này, Tổng tư lệnh ABDA là Thống chế Anh-Wavel, sau khi báo cáo Thủ tướng Anh Churchill rằng “tuyến phòng ngự của chúng ta ở Java không vững được bao lâu nữa, tiếp tục đánh nhau chỉ vô ích mà thôi”, ngày 22/2 đã bỏ quân đội bay đến Ấn Độ, giao lại ABDA cho các viên tướng dưới quyền.

Ngày 27/2 xảy ra trận hải chiến giữa hải quân Nhật Bản và hạm đội Liên quân ABDA tại vùng biển Java. Kết quả, Liên quân mất 2 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục, Chuẩn đô đốc Doorman chỉ huy hạm đội tử trận. Phía Nhật, 3 tàu khu trục và 1 tàu tuần dương hạng nhẹ bị phá huỷ.

Đêm 28/2, Liên quân mất thêm 2 tàu tuần dương tại biển Sunda. Các tàu chiến còn lại của Liên quân được lệnh rời bỏ Đông Ấn Hà Lan chạy về Australia nhưng bị hải quân Nhật chặn đánh, chỉ có 4 tàu khu trục Mỹ chạy thoát.

Cũng trong đêm 28/2, quân Nhật bắt đầu đổ bộ lên Java hầu như không gặp sự kháng cự nào đáng kể. 1 giờ sáng ngày 1/3/1942,  Bộ chỉ huy ABDA chính thức giải tán chưa đầy hai tháng sau khi được thành lập. Ngày 8/3/1942, Bộ tư lệnh quân đội Hà Lan tại Đông Ấn Hà Lan ra lệnh cho các lực lượng của mình hạ vũ khí đầu hàng.

Chiến dịch Đông Ấn Hà Lan kết thúc sớm hơn ba tháng so với dự tính ban đầu. Phía Nhật giành phần thắng do biết lợi dụng ưu thế cả đường không và đường biển để cô lập, chặn đường rút quân và tiếp viện của đối phương. Liên quân ABDA có quân số đông nhưng thất bại do không được huấn luyện và trang bị tốt, lại không có được kế hoạch tác chiến rõ ràng do bộ chỉ huy bất đồng về sách lược phòng thủ.

Với chiến dịch Đông Ấn Hà Lan thành công, Nhật đã chiếm hết các đảo thuộc Hà Lan, kết thúc việc xâm chiếm toàn Đông Nam Á, củng cố thế đứng vững chắc ở Thái Bình Dương.

Nguyên Phong

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Đây là cách nhà lãnh đạo I.V.Stalin miêu tả 10 chiến dịch tấn công chiến lược mà Hồng quân Liên Xô tiến hành trong năm 1944.

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận Leningrad là một trong các trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trong toàn bộ chiến tranh Xô-Đức.