Hệ thống phòng ngự của tàu sân bay hợp thành từ các vệ tinh trinh sát, máy bay trinh sát, tàu trinh sát, máy bay cảnh báo xa và máy bay chiến đấu đánh chặn tầm xa, có thể giám sát hơn 1000 mục tiêu từ xa. Song, chúng vẫn chưa thể giúp lấp đầy một số chỗ hở chết người của tàu sân bay vì nhiều lí do.

{keywords}
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Trước hết, vì phạm vi tác chiến của cụm tàu sân bay rất rộng nên hành động rất khó che giấu. Các vật thể phản xạ sóng radar trên tàu nhiều, diện tích phản xạ lớn, các trường vật lý như hồng ngoại, điện từ, âm thanh… đều rất mạnh, nên dễ bị đối phương phát hiện.  

Khả năng tác chiến của tàu sân bay phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, máy bay trên tàu chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết. Khi sức gió mạnh đến cấp 8, sóng biển đến cấp 6-7 thì đa số máy bay trên tàu khó cất cánh, xác suất trúng đích của các loại tên lửa cũng giảm. Khi cụm tàu sân bay hoạt động trên vùng biển có địa hình phức tạp (như có nhiều đảo) thì khả năng cơ động giảm, gây bất lợi cho tác chiến chống tàu ngầm.

Thông thường, cứ 3-5 ngày thì cụm tàu sân bay tiến hành cấp bổ sung chiến đấu, mỗi lần cần đến vài giờ cho một tàu. Để tăng tiến độ, thông thường phải tập trung nhiều tàu liền nhau, cho chạy hàng ngang với tốc độ chậm để đồng thời cấp bổ sung, chính điều này tạo điều kiện để đối phương thực hiện tiến công.

Khi tàu sân bay tiếp nhận cấp bổ sung trên biển thì việc cơ động và cất/hạ cánh của máy bay trên tàu bị hạn chế, bất lợi cho việc tổ chức phòng không một cách có hiệu quả. Trong khi đó, do có thêm đội tàu làm nhiệm vụ cung ứng trên biển nên số lượng các vật thể phản xạ sóng radar nhiều thêm, càng dễ bị phát hiện, tiến công.

Ngoài ra, một số thiết bị như ghi thép dùng làm đường băng trên tàu sân bay, máy phóng, thiết bị chặn giữ… nếu bị đánh hỏng sẽ làm cho sức chiến đấu bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí tàu sân bay có thể biến thành bia hứng đạn.

Vì vậy, cụm tàu sân bay hoàn toàn có thể bị tấn công. Một là bằng tên lửa đối hạm. Ngày nay, tên lửa đối hạm đang phát triển nhanh chóng, trong đó nhiều loại bay nhanh gấp hai lần tiếng động, hoạt động theo nguyên tắc phóng rồi quên. Ví dụ, tên lửa đối hạm Moskit chưa phải loại tiên tiến nhất của Nga, có tốc độ 2,5 M, trong phạm vi tầm bắn của nó tàu sân bay về cơ bản không có đủ thời gian phản ứng.

Tàu sân bay cũng có thể bị tấn công bằng tàu ngầm. Các tàu ngầm hạt nhân kiểu tiến công đều mang theo số lượng lớn ngư lôi và tên lửa đối hạm phóng ngầm. Nếu các tàu ngầm từ những hướng khác nhau đồng thời tiếp cận cụm tàu sân bay, đột phá qua vùng cảnh giới chống ngầm, đến vị trí công kích bất ngờ phóng tên lửa hoặc ngư lôi thì tàu sân bay hoàn toàn có thể bị tiêu diệt hoặc bị thương.

Một khắc tinh khác của tàu sân bay là bằng tên lửa đạn đạo. Khả năng phòng không của cụm tàu sân bay luôn tồn tại những sơ hở: số lượng máy bay tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo xa có hạn, khả năng dự báo và đối kháng điện tử, khả năng phòng thủ đối với các tên lửa tập kích tầm thấp kém.

Từ đó, ưu thế công kích tầm xa vào tàu sân bay bằng tên lửa đạn đạo là rất rõ rệt: thông thường tầm bắn đều trên 1000 km, độ sai lệch mục tiêu chỉ khoảng vài chục mét thậm  chí còn nhỏ hơn, tốc độ tên lửa cao (> 5 M), có thể mang nhiều đầu đạn kiểu chùm hoặc kiểu tách, một lần công kích nhiều mục tiêu. Nếu tên lửa được trang bị đầu chiến đấu hạt nhân kiểu nhỏ thì không cần trúng đích chính xác vẫn có thể phá hủy hoặc làm mất sức chiến đấu của cụm tàu sân bay.

Tàu sân bay cũng có thể bị tập kích bằng tác chiến điện tử, trong đó, máy bay cảnh báo xa trên tàu sân bay là mục tiêu ưu tiên công kích trước. Vì chỉ có trước hết đánh tan hệ thống chỉ huy-trinh sát-dẫn đường này mới có thể giành được quyền kiểm soát điện từ, thực thi đối kháng điện tử một cách có hiệu quả. Tiêu diệt máy bay tác chiến điện tử sẽ làm cho khả năng tiến công điện tử của cụm tàu sân bay yếu đi rất nhiều, tung thâm phòng thủ điện tử bị thu nhỏ.

Việc tiến công điện tử đối với tàu sân bay còn có thể thực hiện bằng các loại máy bay gây nhiễu bay đến khu vực cụm tàu sân bay hoặc gần máy bay cảnh báo xa, tiến hành gây nhiễu mạnh, cản trở việc chỉ huy-điều khiển và khả năng liên lạc của nội bộ cụm tàu sân bay.

Ngoài ra, tàu sân bay có thể bị đánh bằng thuỷ lôi. Với những đặc điểm  như dễ rải, khó quét, dễ che giấu, uy lực phá huỷ lớn, thời gian uy hiếp kéo dài, đang được tinh khôn hoá và ứng dụng tổng hợp kỹ thuật của ngư lôi và tên lửa.., giá trị và phạm vi sử dụng của thuỷ lôi ngày càng cao, có thể tạo mối uy hiếp to lớn đối với tàu sân bay.

Cuối cùng, tàu sân bay có thể điêu đứng vì đòn tiến công tổng hợp bằng tên lửa tầm xa do máy bay ném bom, máy bay ném bom/tiêm kích mang theo, bất ngờ từ nhiều hướng liên tục phóng vào cụm tàu sân bay; đồng thời tiến hành tác chiến thuỷ lôi, tác chiến tàu ngầm, tác chiến điện tử và tác chiến tên lửa đạn đạo tầm xa.

Bên cạnh đó, tận dụng thời cơ có lợi như khi tàu sân bay tiến hành cấp bổ sung trên biển (lúc đó máy bay trên tàu không thể cất - hạ cánh), hoặc khi máy bay trên tàu sân bay phóng lên và thu hồi (lúc đó hướng hành trình, tốc độ hành trình của tàu sân bay tương đối ổn định, cơ động hạn chế, máy bay trên tàu không tác chiến được) hoặc vào ban đêm số lượng máy bay có thể cất/hạ cánh rất ít…để thực hiện tiến công tổng hợp.

Tóm lại, tàu sân bay có uy lực lớn, nhưng không phải không có chỗ hở để đối phương có thể tiến công.

Nguyên Phong

Lý do tên lửa siêu thanh trở thành ác mộng với tàu sân bay Mỹ

Lý do tên lửa siêu thanh trở thành ác mộng với tàu sân bay Mỹ

Tên lửa siêu thanh, với sức mạnh khủng khiếp,có thể tiêu diệt được cả một nhóm tác chiến tàu sân bay.

Bí mật thành phần tàu sân bay hải quân Mỹ

Bí mật thành phần tàu sân bay hải quân Mỹ

Theo một số chuyên gia, chỉ cần duy trì 7 – 8 tàu sân bay thế hệ mới cùng các loại phương tiện chiến đấu công nghệ cao hiện đại khác là đủ để chiến đấu.