Nguyên soái, hai lần Anh hùng Liên Xô Alesander Mikhailovich Vasilevsky (1896-1977) được xem là nhà cầm quân số hai trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, sau vị thống tướng huyền thoại Georgy Zhukov. Vasilevsky nằm trong số những người chịu trách nhiệm chính vạch kế hoạch và thực hiện các chiến dịch lớn của Hồng quân.

Trong trận Stalingrad (tháng 7/1942 đến tháng 2/1943), giai đoạn đầu, Hồng quân buộc phải rút lui trước cuộc tiến công điên cuồng của quân Đức và thành phố Stalingrad có nguy cơ bị rơi vào tay quân phát xít.

{keywords}
Nguyên soái Liên Xô Alesander Mikhailovich Vasilevsky. Ảnh: Wikipedia

Tại đây, lần đầu tiên, Tổng tham mưu trưởng Vasilevsky thể hiện tài thao lược ở tầm cỡ lớn. Ông liên tục cho các tập đoàn quân xe tăng, các đơn vị hỏa lực công kích vào sườn các đơn vị thiết giáp và bộ binh cơ giới rất mạnh của Đức đang tiến về Stalingrad, đồng thời tổ chức cho các lực lượng bảo vệ thành phố thiết lập vành đai phòng thủ phía ngoài và trong nội thành. 

Chiến dịch phòng ngự của Hồng quân là mẫu mực của nghệ thuật tác chiến bảo vệ thành phố, dựa vào hệ thống công sự vững chắc và hệ thống hỏa lực liên hoàn, đã giữ vững được trận tuyến trong điều kiện toàn bộ chiều sâu 300-600km đều nằm dưới sự khống chế của hỏa lực địch, nhất là hỏa lực không quân.

Nổi bật là việc sử dụng lực lượng dự bị cơ động thực hành phản công, phản đột kích liên tục nhằm cải thiện thế trận phòng ngự, luôn giành lấy quyền giáng đòn cuối cùng trong mỗi trận đánh để xóa bỏ mọi cố gắng của đối phương.

Đến khi cánh quân Stalingrad của quân Đức bị bao vây, chính Vasilevsky là người đưa ra phán đoán: Hitler thế nào cũng sẽ bằng mọi cách từ bên ngoài chi viện tối đa cho quân của chúng đang bị bao vây. Từ đó, Vasilevsky đề xuất và được Tổng tư lệnh tối cao Stalin tán thành tổ chức bủa vây quân Đức bằng hai lớp – lớp trong là tuyến bao vây trực tiếp; lớp ngoài là tuyến đánh địch đột kích giải vây.

Giai đoạn cuối, Hồng quân thực hiện chiến dịch Cái vòng (chỉ huy soạn thảo kế hoạch chính là Vasilevsky) để tiêu diệt đạo quân Đức bị bao vây, kết quả, 2/3 đạo quân tinh nhuệ này bị tiêu diệt, 1/3 bị bắt sống, trong đó có thống chế Paulus và 24 viên tướng.

Đây là chiến dịch mẫu mực về tổ chức hợp vây và tiêu diệt một tập đoàn quân rất lớn với trang bị mạnh của địch. Việc phản công quy mô cụm phương diện quân và hợp vây là một phát triển mới về nghệ thuật quân sự. Hồng quân cũng đạt được yếu tố bất ngờ chiến dịch ở việc tập trung lực lượng dự bị mà đối phương không thể ngờ tới.

Tháng 3 năm 1943, sau khi hình thành chỗ lồi (Vòng cung) Kursk và sau khi cuộc phản công Kharkov lần ba không thành công, Vasilevsky cùng Zhukov đã thuyết phục Stalin hoãn tấn công và chờ hành động của quân Đức.

Sau khi kế hoạch phản công của quân Đức bị hủy bỏ vào tháng 5, Vasilevsky lại thành công trong việc bảo vệ kế hoạch chờ đợi quân Đức hành động. Cuối cùng, trận Vòng cung Kursk cũng nổ ra ngày 5 tháng 7 năm 1943, Nguyên soái Vasilevsky chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của các Phương diện quân Voronezh và Thảo nguyên.

Sau thất bại nặng nề của quân Đức tại Vòng cung Kursk, ông lại tiếp tục vạch kế hoạch và chỉ huy thực hiện các chiến dịch tấn công tại vùng Donbass và sau đó là ở Crưm.

Đầu năm 1944, Vasilevsky thay mặt Đại bản doanh điều phối các cuộc tấn công ở bờ phải sông Dnepr, dẫn đến thắng lợi quyết định của Hồng quân ở Đông Ukraine, giải phóng thành phố cảng Odessa. Mùa hè cùng năm, trong chiến dịch Bagration, Vasilevsky được giao điều phối hoạt động của 2 Phương diện quân Belorussia 3 và Pribaltic 1.

Thành công của chiến dịch Bagration đã tạo tiền đề đẩy quân đội Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, giúp Hồng quân có bàn đạp ở bờ tây sông Wisla, tạo tiền đề cho chiến dịch Wisla-Oder ở giai đoạn kế tiếp rồi chiến dịch Berlin.

Tháng 2 năm 1945, Vasilevsky là Tư lệnh Phương diện quân Belorussia 3 tham gia chiến dịch tiến công Đông Phổ. Hành động mau lẹ của Phương diện quân Belorussia 3 dưới sự chỉ huy của ông đã kết thúc bằng việc đánh bại quân Đức ở Đông Phổ, chiếm và đưa về cho nước Nga thành phố Kenisberg.

Chiến dịch Đông Phổ đã chứng tỏ sức mạnh chiến đấu hùng hậu và sự trưởng thành về nghệ thuật quân sự của quân đội Liên Xô, nhất là trong tác chiến chính diện nhằm vào một kẻ địch mạnh có trận địa phòng ngự được chuẩn bị rất tốt, có hệ thống công sự và hoả lực rất mạnh trên địa hình hết sức thuận lợi cho chúng.

Trong chiến dịch Mãn Châu kéo dài 24 ngày đêm (từ 9/8 đến 2/9/1945) trên một mặt trận dài trên 5.000km, lực lượng gồm 3 phương diện quân dưới quyền tổng chỉ huy của Nguyên soái Vasilevsky phối hợp với các đơn vị Mông Cổ đã đánh tan đạo quân Quan đông của Nhật, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, Triều Tiên.

Chiến thắng của quân đội Liên Xô ở Viễn Đông đã buộc Nhật Bản phải đầu hàng, chấm dứt chiến tranh Thế giới thứ hai, góp phần thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á. Trong số 1,6 triệu quân Liên Xô tham chiến, số thương vong chỉ là 37.000 người.

Việc chuẩn bị và tiến hành chiến dich Mãn Châu cho đến nay vẫn được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên thế giới, được coi là một ví dụ mẫu mực về công tác lên kế hoạch, bố trí đội hình, đảm bảo hậu cần cho đội hình hành quân.

Theo đánh giá của đa số giới quân sự Xô-viết, Vasilevsky là một vị chỉ huy tài ba, thông minh, khiêm tốn, mềm mỏng, cực kì kinh nghiệm và rất có tài trong việc hoạch định chiến lược và tổ chức chiến dịch. Ông cũng luôn có thái độ tôn trọng đồng nghiệp và nhạy bén trong giao tiếp. Ông nằm trong số rất ít người có thể thuyết phục được Stalin trong những cuộc tranh luận căng thẳng.

Xem tin tức thế giới trên VietNamNet

Nguyên Phong

Những 'lời tiên tri' khiến thế giới nể phục của nguyên soái Liên Xô

Những 'lời tiên tri' khiến thế giới nể phục của nguyên soái Liên Xô

Với tài năng quân sự lỗi lạc, với võ công vang dội, Zhukov được nhân dân Liên Xô gọi bằng cái tên trìu mến “Vị nguyên soái của chiến thắng”.

Chiến dịch lớn cuối cùng của Hồng quân Liên Xô ở châu Âu

Chiến dịch lớn cuối cùng của Hồng quân Liên Xô ở châu Âu

Đầu tháng 5/1945, bất chấp việc thủ đô Berlin bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm và Hitler đã tự sát, tại một số nơi trong đó có Tiệp Khắc, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí.