Ngày 1/9/1939, Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Bắc của Bock cùng Cụm TĐQ Nam của Rundstedt xâm chiếm Ba Lan, mở đầu Thế chiến 2. Trong chiến dịch xâm lược Pháp, Cụm TĐQ B do Bock chỉ huy đánh “mồi” vào Hà Lan và miền trung Bỉ, trong khi đó Cụm TĐQ A của Rundstedt đánh chủ công vào vùng núi Ardennes. Bock chiếm Hà Lan và phần lớn Bỉ, rồi cùng Rundstedt hợp vây Anh-Pháp tại Dunkirk.

{keywords}
Thống chế Đức Fedor von Bock. Ảnh: Wikipedia

Bock là người phản đối quyết định của Hitler cho phép lực lượng thiết giáp Cụm TĐQ A nghỉ ngơi vào ngày 23/5, tạo cơ hội cho quân chủ lực Anh cùng một bộ phận quân Pháp chạy thoát khỏi Dunkirk.

Trong giai đoạn 2 của chiến dịch, Bock chỉ huy 3 TĐQ và 2 cụm thiết giáp đánh tan quân Pháp ở miền tây nước này, chiếm thủ đô Paris và duyệt binh rầm rộ tại Khải Hoàn Môn vào 14/6/1940. Bock, Rundstedt cùng 10 vị tướng khác được phong hàm thống chế. 

Bắt đầu chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô, Bock làm tư lệnh Cụm TĐQ Trung tâm là cụm quân đông nhất, mạnh nhất. Với mũi nhọn là hai cụm thiết giáp mạnh của các tướng Hoth và Guderian, chỉ trong chưa đầy một tuần, các đơn vị dưới quyền Bock đã thọc sâu 274km vào lãnh thổ Liên Xô. Hạ tuần tháng 8/1941, quân của Bock đã tiến được hơn 805km và chỉ còn cách Moscow 298km.

Bị hao tổn đến 250.000 binh lính, song Bock cho rằng con đường đã rộng mở cho ông ta chiếm nhanh Moscow. Nhưng đúng lúc này, bất chấp sự phản kháng gay gắt của Bock, Hitler rút 4 trong 5 quân đoàn thiết giáp và 3 quân đoàn bộ binh khỏi Cụm TĐQ Trung tâm để tăng cường cho hai hướng Leningrad và Kiev. Bock buộc phải chuyển sang thế phòng ngự, và đây là một yếu tố quan trọng giúp Hồng quân Liên Xô có cơ hội tăng cường phòng vệ thủ đô.

Đây chính là nguyên cớ để Bock bắt đầu đưa ra những chỉ trích nhằm vào Hitler.

Được Hitler trả lại các đơn vị điều chuyển trước đó, ngày 30/9/1941, Bock triển khai chiến dịch Taifun tấn công Moscow. Vẫn bằng hai gọng kìm tăng thiết giáp, Bock nhanh chóng đánh chiếm các thành phố Vyazma, Bryansk, Kaluga, Kalinin rồi Mozhaisk. Hồng quân Liên Xô chiến đấu anh dũng và giành giật từng thước đất với quân xâm lược, đồng thời mở nhiều đòn phản kích mạnh mẽ.

Mưa to đã biến đường sá thành những con sông bùn lầy, gây cản trở đáng kể đối với công tác hậu cần của quân Đức. Bock đành dừng quân, đợi đến khi đường sá đóng băng mới tấn công tiếp. Tận dụng thời cơ này, Bộ Chỉ huy Hồng quân Liên Xô đã điều nhiều binh đoàn từ Viễn Đông sang tăng cường cho Moscow.

Ngày 15/11, Bock mở đợt tấn công tổng lực cuối cùng vào Moscow, đánh chiếm Klin ở phía bắc và Istr ở phía tây Moscow nhưng sớm bị một cuộc phản công của quân đội Liên Xô đẩy lui. Mùa đông khắc nghiệt cùng với sự kháng cự bền bỉ của Hồng quân đã làm phá sản chiến dịch Taifun. Ngày 6/12/1941, Hồng quân phản công trên toàn tuyến. Cụm TĐQ Trung tâm bị đánh bật khỏi cửa ngõ Moscow.

Tuyệt vọng do thua trận, Bock xin từ chức và được Hitler chuẩn y. Sau khi bàn giao Cụm TĐQ Trung tâm cho Kluge, ngày 18/12, Bock được chuyển vào ngạch dự bị. Tuy nhiên, sau khi bình phục sức khỏe, Bock được triệu hồi làm Tư lệnh Cụm TĐQ Nam.

Mùa hè năm 1942, triển khai chiến dịch Blau, Hitler ra lệnh cho cụm quân của Bock đánh chiếm lưu vực sông Đông, tạo bàn đạp chuẩn bị tiến công Stalingrad và Kavkaz. Công khai chỉ trích kế hoạch tác chiến của Hitler vì nó quá lệ thuộc vào các đội quân chư hầu Italia và Romania mỏng yếu hai bên sườn quân Đức, nhưng Bock vẫn chấp hành mệnh lệnh. Ngày 28/6/1942, ông ta bắt đầu chiến dịch Blau theo đúng mô hình “chiến tranh chớp nhoáng”.

Thoạt đầu, Bock giành thắng lợi, chiếm được một nửa Voronezh. Nhưng do bị tác động bởi thảm bại Moscow năm 1941 và sự kiệt sức của binh lính, Bock chỉ truy kích một cách chậm chạp, để cho nhiều sư đoàn chủ lực Liên Xô rút lui an toàn qua sông Đông. Ngày 15/7/1942, Hitler cách chức Bock và không bao giờ tin dùng ông này nữa.

Đầu tháng 5/1945, khi hay tin Đô đốc Karl Donitz - người được Hitler chỉ định làm người kế nhiệm đang xúc tiến thành lập chính phủ mới ở Hamburg, Bock liền vội vàng mang vợ và con gái đến thành phố này để xin một chức chỉ huy mới. Trên đường đi, xe của nhà Bock bị máy bay Anh oanh tạc, cả ba người tử vong.

Xem tin thế giới trên VietNamNet

Nguyên Phong

Số phận viên thống chế Đức quốc xã bị 'cho về vườn' sớm nhất

Số phận viên thống chế Đức quốc xã bị 'cho về vườn' sớm nhất

Vì những bất đồng với Hitler, nên thống chế Wilhelm von Leeb vào năm 1942 mất chức tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc trong chiến dịch xâm lược Liên Xô.

Số phận chìm nổi của thống chế phát xít Đức 'lắm mưu nhiều kế'

Số phận chìm nổi của thống chế phát xít Đức 'lắm mưu nhiều kế'

Gerd von Rundstedt là sĩ quan duy nhất bị "trùm phát xít" Hitler cách chức và tái nhậm chức 3 lần trong Thế chiến thứ hai.