Theo hãng thông tấn Reuters, cơ quan y tế Hong Kong hôm 23/2 cho biết đặc khu ghi nhận tới 8.674 ca nhiễm và 24 ca tử vong bởi Covid-19 trong 24 giờ qua, tiếp tục tăng so với con số 6.211 ca nhiễm mới được ghi nhận trước đó 1 ngày.
Với năng lực xét nghiệm, điều trị và cách ly đã được mở rộng đến mức tối đa, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong dự đoán số ca nhiễm mới tại đây có thể đạt mức đỉnh là 180.000 ca/ngày vào tháng tới.
Ảnh: Reuters |
Sáng 23/2, người đứng đầu cơ quan tài chính Hong Kong Paul Chan đã công bố các khoản giảm thuế, phân phát và trợ cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và người dân, nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh hạn chế phòng chống Covid-19 ở đặc khu, dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến ngày 20/4.
Đặc khu trưởng Hong Kong hôm 22/2 cho biết các trường học sẽ nghỉ hè sớm và đón năm học mới vào tháng 8. Một số trường có thể được dùng làm nơi xét nghiệm và cách ly, trong bối cảnh các đợt xét nghiệm bắt buộc dự kiến được áp dụng vào tháng tới. Theo bà, cư dân Hong Kong sẽ phải xét nghiệm 3 lần, và đặc khu có đủ khả năng xét nghiệm khoảng 1 triệu trên tổng dân số 7,4 triệu người mỗi ngày.
Campuchia tiêm vắc xin cho trẻ 3-5 tuổi
Ngày 23/2, Campuchia bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho nhóm tuổi này. Chiến dịch bắt đầu được thực hiện ở thủ đô Phnom Penh. Trong ngày đầu tiên, hàng trăm người đã xếp hàng bên ngoài các phòng khám để đưa con em đi tiêm phòng.
Thủ tướng Hun Sen cho biết kể từ khi làn sóng Omicron tấn công Campuchia vào tháng 12/2021, hơn 20% số ca nhiễm là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia nói rằng ngay cả đứa cháu chưa đầy 2 tuổi của ông cũng nhiễm biến thể Omicron.
“Vì vậy, cần phải tiêm phòng cho trẻ em nhóm từ 3 đến 5 tuổi để bảo vệ chúng khỏi biến thể Omicron”, Thủ tướng Hun Sen cho biết. Ông cũng nói thêm rằng, có khoảng 700.000 trẻ em ở độ tuổi này trên khắp Campuchia.
WHO lên kế hoạch mở trung tâm đào tạo sản xuất vắc xin thứ 2
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kế hoạch lập một trung tâm thứ hai để đào tạo các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sản xuất vắc xin công nghệ mRNA, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại một hội nghị hôm 23/2.
Tin tức được đưa ra sau khi WHO thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ ở Cape Town (Nam Phi) vào năm ngoái, để cung cấp cho các công ty từ những nước nghèo và thu nhập trung bình bí quyết sản xuất vắc xin công nghệ mRNA. Ông Tedros cho hay, 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc được trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi đào tạo về phát triển vắc xin mRNA.
Hàn Quốc kêu gọi người dân bình tĩnh
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum hôm 23/3 đã kêu gọi người dân không hoảng sợ, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này lần đầu vượt mốc 170.000 sau 24 giờ. Phát biểu tại một cuộc họp, ông nói số ca bệnh nặng và tử vong bởi Covid-19 dù liên tục tăng cao do Omicron, song vẫn ở mức có thể kiểm soát được.
Ngày 23/2, Hàn Quốc ghi nhận 171.452 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước đến nay và tăng mạnh so với một ngày trước đó (99.573 ca trong ngày 22/2). Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng mạnh, lên đến 99 ca vào ngày 22/2, gần chạm mức kỷ lục.
Đến thời điểm hiện tại, 86% trên tổng dân số 52 triệu người ở Hàn Quốc đã được tiêm đủ 2 liều và gần 60% đã được tiêm liều 3. Cũng trong ngày 23/2, Hàn Quốc chính thức phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 hiện nay
Việt Anh
WHO báo tin tích cực về Covid-19, Uganda dọa bắt người không tiêm nộp tiền
Quốc hội Uganda đang xem xét luật y tế mới, theo đó những người không chịu tiêm chủng sẽ phải nộp phạt và đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù nếu không chịu nộp phạt.
Thuỵ Điển đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quyền lao động
Đại sứ quán Thụy Điển, VCCI và Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) phối hợp tổ chức hội thảo “Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch”.