Tờ Al Jazeera dẫn lời một số nhà hoạt động xã hội ở vùng Fukushima, Nhật Bản cho biết, tác động của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sẽ còn tồn tại trong nhiều thập kỷ tới. Bởi ký ức về sự cố hạt nhân hồi đầu tháng 3/2011 đối với những người dân sống ở khu vực này như vừa mới xảy ra.

“Các công trình có thể sửa chữa lại sau trận động đất và sóng thần. Chỉ có thảm họa hạt nhân là chưa chấm dứt. Chúng tôi vẫn chưa biết khi nào nó sẽ kết thúc”, nhà hoạt động phi chính phủ Ayumi Iida nói.

Cô Iida cho biết, nơi cô sống chỉ cách nhà máy hạt nhân Fukushima 40km. Và để bảo vệ các con của mình, cô đã phải mua thực phẩm từ những vùng khác ở Nhật Bản, tìm những sân chơi có mức độ ô nhiễm phóng xạ thấp nhất và đưa con đi kiểm tra sức khỏe hàng năm.

{keywords}
Một phần nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau sự cố hồi năm 2011. Ảnh: Reuters

Theo tờ Al Jazeera, Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh sơ tán người dân sống trong các thành phố lân cận nhà máy Fukushima khi sự cố hạt nhân xảy ra, cũng như thiết lập khu vực loại trừ bức xạ. Tính đến năm 2012, ít nhất 165.000 người đã được đi sơ tán.

Nhờ những nỗ lực trong công tác loại bỏ bức xạ của chính quyền Tokyo, nên phần lớn các khu vực xung quanh nhà máy đã an toàn và người dân được phép trở về nhà. Nhưng hiện vẫn có gần 37.000 người thuộc danh sách sơ tán từ 2011, và nhiều người trong số họ không muốn quay trở về.

Một số chuyên gia nhận định, dù số ca mắc ung thư hoặc những bệnh liên quan tới phóng xạ trong các khu vực dân cư sống quanh nhà máy hạt nhân Fukushima không tăng đáng kể trong suốt 10 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều lý do để lo ngại về sự phơi nhiễm phóng xạ của người dân nơi đây sẽ tích tụ theo thời gian.

{keywords}
Người dân sống gần nhà máy Fukushima hàng năm đều phải đi khám sức khỏe. Ảnh: Reuters

“Nếu ô nhiễm phóng xạ được tìm thấy ở phòng thí nghiệm trong một cơ sở hạt nhân được kiểm soát, thì điều này sẽ cần tới sự can thiệp của ban quản lý nhà máy Fukushima trong việc đóng cửa nơi đó và tiến hành loại bỏ bức xạ. Nhưng nếu sự ô nhiễm phóng xạ cao xuất hiện ở những môi trường không được kiểm soát như những cánh rừng, các ngọn đồi, bờ sông, nông trại, thì chúng ta không thể nói rằng tình hình đã được kiểm soát”, chuyên gia phóng xạ Shaun Burnie thuộc tổ chức Greenpeace Germany nói.

Cô Mary Olson, người thành lập Dự án tác động của bức xạ với giới tính chỉ ra rằng, những lo ngại của các bậc phụ huynh như cô Iida không phải là thừa. Bởi theo một số dẫn chứng khoa học cho thấy, phụ nữ dễ mắc ung thư khi tiếp xúc với phóng xạ hơn nam giới.

{keywords}
Vùng Futaba gần nhà máy hạt nhân Fukushima bị bỏ hoang sau sự cố. Ảnh: Reuters

Đối với cô Iida, thì mối lo ngại lớn hơn của bản thân cô hiện nay không phải là vấn đề sức khỏe của các con hay những người hàng xóm, mà là về việc thế giới vẫn coi năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng “thân thiện với môi trường”.

“Lần này, chúng ta có sự cố hạt nhân ở Fukushima, nhưng chúng ta sẽ không biết thảm họa hạt nhân tiếp theo sẽ xảy ra ở đâu. Đây không phải là vấn đề về năng lượng và môi trường chỉ riêng cho người dân Nhật Bản, mà nó phải được xem xét bởi người dân trên toàn thế giới”, cô Iida nói.

Tuấn Trần

Thảm họa sóng thần Nhật Bản 10 năm nhìn lại, hồi phục thần tốc

Thảm họa sóng thần Nhật Bản 10 năm nhìn lại, hồi phục thần tốc

Những bức ảnh sau đây cho thấy sự phục hồi sau thảm họa kép động đất-sóng thần của nhiều nơi ở Nhật Bản trong suốt 10 năm qua.

Nhật Bản lại hứng chịu động đất

Nhật Bản lại hứng chịu động đất