Trong bài phát biểu lúc nửa đêm 8/3 (giờ Việt Nam), ông Biden thông báo: "Chúng tôi sẽ cấm mọi hoạt động nhập khẩu xăng dầu và năng lượng của Nga. Điều đó đồng nghĩa dầu mỏ Nga sẽ không được chấp nhận ở các cảng của Mỹ, và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP |
Động thái mới nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận quyết định sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang và lạm phát đang đẩy cao giá các mặt hàng khác. Cho rằng giá dầu lửa sẽ tăng, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân. Ông cảnh báo các công ty xăng dầu Mỹ không lợi dụng tình hình hòng kiếm lời hoặc đội giá.
Theo các nguồn tin giấu tên, ông Biden đã thảo luận với nhiều đồng minh châu Âu về biện pháp "cô lập" nền kinh tế Nga trước khi ra thông báo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lập tức lên Twitters viết lời cảm ơn dành cho người đồng cấp Mỹ và thúc giục các nước khác hành động tương tự.
Theo tin tức từ CNBC cho biết, Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết vạch một kế hoạch mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Ủy ban châu Âu muốn ngừng mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga trước năm 2030. Và giờ đây, cơ quan này đưa ra cam kết giảm 2/3 lượng khí đốt mua của Nga trước cuối năm nay. Để đạt được mục tiêu, châu Âu sẽ đa dạng nguồn cung, tăng sản xuất hydrogen và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở các hộ gia đình.
Tổng thống Zelensky đã có bài phát biểu qua video trước các nghị sĩ Hạ viện Anh. Cũng giống như ở những lần phát biểu trước đó trước các nhà lập pháp Mỹ và các thành viên Nghị viện châu Âu, người đứng đầu chính quyền Kiev nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt.
"Người Ukraine không muốn mất đi những gì họ có", ông Zelensky khẳng định.
Nga thông báo sẽ ngừng bắn trong ngày 9/3, bắt đầu từ 10h sáng (giờ Moscow) để mở hành lang nhân đạo tại Kiev và 4 thành phố khác của Ukraine cho người dân sơ tán. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Nga cho biết, thông tin về các hành lang từ Kiev, Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol sẽ được gửi tới Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk.
Hôm 8/3, giới chức Ukraine cáo buộc Moscow vi phạm lệnh ngừng bắn khi nã pháo vào hành lang nhân đạo từ Zaporizhzhia tới thành phố cảng Mariupol ở miền nam vốn đang bị quân Nga bao vây. Tại đây, người dân không chỉ hứng chịu bom đạn mà còn không có lò sưởi, nước, hệ thống vệ sinh và điện thoại.
Ba Lan thông báo sẵn sàng chuyển giao lập tức tất cả máy bay MiG-29 của nước này miễn phí cho chính phủ Mỹ. Đây là một phần nỗ lực cung cấp chiến cơ cho lực lượng không quân Ukraine để đẩy lùi quân Nga. Warsaw cũng kêu gọi các chủ sở hữu máy bay MiG-29 khác của NATO làm như vậy.
Reuters dẫn lời Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cho rằng khoảng 2.000-4.000 lính Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vị cựu đại sứ Mỹ ở Moscow nói thêm, Mỹ đã thực hiện "chia sẻ thông tin tình báo chuyên sâu" với Ukraine, bao gồm các chi tiết về kế hoạch quân sự của Nga và tiếp tục làm như vậy hàng ngày.
>>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên VietNamNet
Thanh Hảo
Moscow dọa cắt khí đốt sang châu Âu, Nhật phạt thêm quan chức Nga
Điện Kremlin dọa cắt các nguồn cung khí đốt sang châu Âu và cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt nếu phương Tây cấm nhập khẩu năng lượng để leo thang cuộc chiến kinh tế chống lại Nga.