Với những ràng buộc sống còn, vụ bê bối tin tình báo bắt nguồn từ Snowden khó có thể tổn hại tới liên minh tình báo 5 nước.


{keywords} 

Anh cần tình báo Mỹ giúp phá một vụ tấn công khủng bố lớn. New Zealand dựa vào Mỹ để gửi quân tới Afghanistan và Australia nhờ Mỹ để kết tội một nghi phạm đánh bom.

Tất cả những mối liên quan trên là kết quả của một liên minh tình báo có tên 5 đôi mắt, vốn tập hợp 5 nước nói tiếng Anh, và nó chỉ ra một bài học sống còn: Thông tin của Mỹ rất đáng giá, vì thế, bê bối gây chấn động toàn cầu về chương trình do thám bí mật của Mỹ cũng không thể khiến Anh, Canada, Australia và New Zealand từ bỏ liên minh này.

Một thông điệp rộng hơn đã được phát đi, đó là, tiết lộ của Edward Snowden khó có thể ngừng hoặc thậm chí làm chậm tốc độ săn lùng bí mật toàn cầu, vốn càng ngày càng trở nên quan trọng với an ninh và sự thịnh vượng của các nước.

"Thông tin giống như vàng. Nếu không có nó, bạn không thể sống được", Bruce Ferguson, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo ngoại quốc của New Zealand nói.

Thỏa thuận "5 đôi mắt" nhấn mạnh giá trị của thông tin cũng như sự hạn chế của chia sẻ thông tin.

Sự cộng tác giữa 5 quốc gia trên bắt đầu trong Thế chiến II khi các nước đồng minh cố phá mật mã hải quân của Đức và Nhật, rồi cứ thế kéo dài. 5 nước trong liên minh đồng ý không do thám lẫn nhau và ở nhiều tiền đồn trên khắp thế giới, cơ quan tình báo của 5 đôi mắt luôn làm việc sát cánh bên nhau, để chia sẻ thông tin nhanh chóng.

Trong liên minh 5 đôi mắt, Mỹ tự hào là nước có khả năng kỹ thuật tiên tiến nhất và có ngân sách lớn nhất. Anh là nước đi đầu về tình báo, một phần là nhờ khả năng thâm nhập những nước từng thuộc Đế quốc Anh. Australia đặc biệt xuất sắc trong thu thập các dấu hiệu và tin tức tình báo khu vực, mở cánh cửa bước vào sức mạnh châu Á. Người Canada, Australia và New Zealand đôi khi cũng có những điệp viên hữu dụng vì họ không bị dò xét như điệp viên Anh và Mỹ.

"Mỹ sẽ không chia sẻ thông tin nếu thấy không nhận lại được gì", Bob Ayers, cựu nhân viên CIA cho biết.

Anh là nước có một trong những trung tâm nghe lén lớn nhất thế giới, nằm cách London 300 km về phía tây bắc, tại Menwith Hill. Cơ quan này do NSA điều hành nhưng hàng trăm nhân viên người Anh làm việc tại đây, gồm cả các nhà phân tích của cơ quan nghe lén Anh - Trụ sở truyền thông chính phủ (GCHQ).

Australia là nơi đóng đô của Pine Gap, trạm theo dấu vệ tinh, nằm ở một nơi tách biệt, nơi các quan chức NSA của Mỹ làm việc sát cánh bên nhân viên sở tại. Mỹ cũng có 3-4 nhà phân tích làm việc tại New Zealand, nơi có các trạm do thám Waihopai và Tangimoana

Quan hệ chia sẻ thông tin tình báo cho phép quan chức an ninh và hành pháp Anh, Mỹ có thể phá vỡ một âm mưu tấn công khủng bố hồi 2006 - âm mưu đánh bom 10 chuyến bay qua Đại Tây Dương.

Sự cộng tác trên, đôi lúc được gọi là ECHELON (dàn trải kiểu bậc thang) diễn ra trong giới hạn chặt chẽ. Hai quan chức tình báo Mỹ đề nghị giấu tên cho hay, chỉ có sĩ quan tình báo Mỹ mới có thể truy cập trực tiếp vào dữ liệu rộng lớn của nước này. Một thành viên trong liên minh có thể yêu cầu kiểm tra chéo, ví dụ, một số điện thoại khả nghi mà họ thu thập được và xem liệu nó có liên quan gì tới Mỹ không. Tuy nhiên, quốc gia thành viên này ban đầu phải chứng minh được rằng việc đó là để đáp lại một mối đe dọa tiềm tàng với lợi ích phương Tây.

Bruce Ferguson, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo ngoại quốc của New Zealand cho biết, một quốc gia nhỏ như New Zealand hiện vẫn dựa vào liên minh 5 đôi mắt để tiến hành các chiến dịch triển khai ở nước ngoài, từ gìn giữ hòa bình tới các nỗ lực nhân đạo. Ngoài ra, tin tình báo mà New Zealand được chia sẻ còn mang ý nghĩa sống còn trong việc phá các đe dọa trên mạng.

Tại Australia, năm 2009, các công tố viên đã dùng bằng chứng lấy được từ một chỉ điểm Mỹ - từng có mặt tại một trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan, để giúp kết tội 1 trong số 9 kẻ cực đoan Hồi giáo có kế hoạch đánh bom ở Sydney. Tổ chức An ninh tình báo Australia cho hay, "việc chia sẻ tin tình báo giữa các nước là vô cùng quan trọng để nhận diện và ngăn ngừa khủng bố cũng như các mối đe dọa xuyên quốc gia khác".

Với những ràng buộc sống còn như trên, vụ bê bối tin tình báo bắt nguồn từ Snowden khó có thể tổn hại tới liên minh này.

  • Hoài Linh (Theo AP, NPR)