Theo Business Insider, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài CNBC (Mỹ), Tổng thống Trump đã đề cập tới nhiều vấn đề như Trung Quốc, Mexico, và các nước khác. Ông Trump nói rằng, ông đã làm cho một trong những kế hoạch của Trung Quốc phải lùi lại vì vướng vào thương chiến với Mỹ. Đó là kế hoạch “Made in China 2025”.

Cụ thể năm 2015, Trung Quốc đã khởi động một kế hoạch táo bạo với mục đích biến nước này trở thành siêu cường công nghệ duy nhất trên thế giới vào năm 2025, bằng cách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong nước và tìm cách để có được các tài sản trí tuệ tiên tiến. Ông Tập đã đích thân đặt tên cho kế hoạch này là “Made in China 2025”, nhằm thể hiện tầm quan trọng của kế hoạch trong các dự định tương lai của Trung Quốc.

{keywords}
10 ngành công nghiệp trọng điểm trong kế hoạch “Made in China 2025”. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, ông Trump không lấy làm vui khi Trung Quốc muốn trở thành đầu tàu thế giới về mảng công nghệ. “Tôi muốn Trung Quốc phát triển. Nhưng tôi không muốn họ phát triển tốt như chúng ta, nói thật lòng là như thế”, ông Trump trả lời phỏng vấn đài CNBC.

“Nhưng giờ thì kế hoạch đấy không còn nữa. Họ dự định thống trị về mảng lĩnh vực công nghệ vào năm 2025. Tôi đã nói với ông Tập rằng ‘Ông nghe này, kế hoạch đó đối với tôi khá là xúc phạm’. Họ không tiến hành kế hoạch Made in China 2025 nữa, vì ông Tập hiểu chính xác điều tôi muốn nói là gì”, ông Trump kết luận.

Trên thực tế, Trung Quốc đã ngừng nhắc tới kế hoạch đầy tham vọng này từ hồi tháng 12/2018, trong khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang có chiều hướng nóng lên. Thậm chí trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng không hề nhắc tới kế hoạch này dù chỉ một lần.

{keywords}
Trung Quốc tham vọng trở thành siêu cường công nghệ duy nhất trên thế giới vào năm 2025. Ảnh: supchina

Các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc nước này vì những chính sách họ cho là “bất công”, như các khoản hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, và những hành động được cho là đánh cắp sở hữu trí tuệ của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, hoạt động tại Trung Quốc.

“Phần lớn các công ty của Mỹ đều rất cẩn thận khi đưa tài sản trí tuệ của mình tới Trung Quốc. Một số còn quyết định không mang những tài sản trí tuệ tốt nhất của họ tới nước này”, ông Ken Jarrett, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, trả lời phỏng vấn trang Business Insider hồi tháng 12/2018.

“Một số khác thì thực hiện những biện pháp để bảo vệ bất cứ tài sản trí tuệ nào họ mang tới nước này, dù điều này khá khó khăn tại một quốc gia chưa có quy định nghiêm ngặt về bảo vệ sở hữu trí tuệ như ở phương Tây. Các công ty của Mỹ đã chia sẻ tài sản trí tuệ của họ, nhưng trong nhiều trường hợp họ buộc phải làm như vậy để có thể tham gia thị trường, hoặc chịu sức ép từ các đối tác liên doanh”, ông nói thêm.

Theo nhận định của ông Jarrett, tình trạng trên xảy ra rất phổ biến trong ngành công nghiệp hàng không, một mảng mà Bắc Kinh đang tìm cách thay thế Washington để trở thành cường quốc đứng đầu trong lĩnh vực hàng không, bằng cách sản xuất ra các thế hệ tiêm kích tàng hình mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ Mỹ.

Một báo cáo gần đây được công bố của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work và nhiều chuyên gia quốc phòng khác viết rằng: “Bắc Kinh đã nghiên cứu được chiến lược quân sự ưa thích của Washington, và đặt ra một chiến lược nhằm khai thác những điểm yếu, để bù đắp điểm mạnh, nhất là những điểm mạnh trong mảng kĩ thuật quân sự”.

{keywords}
Nạn ăn cắp tài sản trí tuệ luôn là mối lo ngại của Mỹ đối với Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

Tuy nhiên theo các chuyên gia của Business Insider nhận định, rất khó có khả năng ông Tập từ bỏ một kế hoạch kinh tế và quân sự đầy tham vọng và quan trọng như vậy chỉ để tránh xúc phạm ông Trump. Và dù Trung Quốc không còn nhắc tới “Made in China 2025” và hạ thấp tầm quan trọng của dự án này, nhưng rất có thể đây chỉ là bề nổi.

Tuấn Trần