Thắng lợi ở Trân Châu cảng (tháng 12/1941) không làm giới quân sự Nhật Bản hài lòng, bởi hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ không bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây chính là lí do để Nhật tấn công đảo Midway (từ ngày 4/6 đến ngày 7/6/1942) nhằm đánh chiếm hòn đảo này, loại bỏ hạm đội Thái Bình Dương và tạo ra một tiền đồn cho lực lượng Nhật ở vùng biển này.

Tuy nhiên, trận tập kích Midway của quân Nhật đã thất bại. Nhật mất bốn tàu sân bay, một tàu tuần dương hạng nặng, nhiều tàu khác bị hỏng nặng, 332 máy bay và 2.500 binh lính thương vong. Phía Mỹ mất tàu sân bay Yorktown, tàu khu trục USS Hammann, 150 máy bay và 307 binh sĩ.

{keywords}
Hàng không mẫu hạm Yorktown ở Trân Châu Cảng trước trận đánh. Ảnh: Wikimedia

Những thắng lợi liên tiếp một cách dễ dàng trước đó đã làm cho bộ chỉ huy Nhật chủ quan, coi thường và không đánh giá đúng lực lượng Mỹ, sẵn sàng tung hết hạm đội của mình để mong giành thắng lợi quyết định.

Lực lượng hạm đội Nhật tuy được huy động ở mức cao nhất, trội hơn hẳn hạm đội Mỹ nhưng khi triển khai chiến đấu lại phân tán trên một khu vực kéo dài hàng trăm dặm, từ vùng trung tâm đến bắc Thái Bình Dương. Việc phân tán lực lượng như thế khiến cho không một đơn vị nào trong hạm đội của họ có thể giúp đỡ được nhau. Hạm đội tàu sân bay tấn công do Phó đô đốc Chuichi Nagumo chỉ huy không có được khả năng tình báo, trinh sát, lại thiếu yểm trợ phòng không từ các tàu chiến thuộc các thê đội phía sau (gồm hai tàu sân bay hạng nhẹ, năm thiết giáp hạm, bốn tàu tuần dương hạng nặng và hai tàu tuần dương hạng nhẹ).

Trong khi đó, hạm đội Mỹ tập trung hầu hết ở Midway với các tàu sân bay, tàu tuần dương cùng các lực lượng phòng thủ tại chỗ. Việc huy động lực lượng phía bắc về Midway sau đó đã không thể cứu vãn được tình thế thất bại của Nhật.

Thứ hai, so với phía Mỹ, số máy bay trên tàu sân bay của Nhật ít hơn (264 so với 360). Pháo phòng không trên tàu chiến Nhật và các hệ thống điều khiển hỏa lực liên quan có một số thiếu sót về thiết kế và cấu hình, làm hạn chế hiệu quả của chúng. Đội tuần tra không quân chiến đấu của Nhật có quá ít máy bay tiêm kích. Hệ thống cảnh báo sớm của Nhật lại không đầy đủ, các tàu chiến Nhật đều không có radar nên không phát hiện được máy bay Mỹ từ xa. Việc quan sát bằng ống nhòm chỉ có thể phát hiện máy bay địch ở cự ly 10–20 km, lúc đó chỉ còn 2 phút để triển khai đánh chặn.

Hệ quả, khi bị máy bay Mỹ tấn công liên tiếp từ nhiều phía, hạm đội Nhật lâm vào thế bị động, chỉ huy Nhật không kịp điều động máy bay tiêm kích đánh chặn máy bay địch, khiến các tàu sân bay Nhật bị tấn công dễ dàng. Các bộ liên lạc vô tuyến chất lượng kém của máy bay tiêm kích Nhật cũng cản trở khả năng chỉ huy và kiểm soát hiệu quả. Các tàu chiến hộ tống tàu sân bay ở vị trí xa, và chúng cũng không có nhiều pháo phòng không nên không thể phòng thủ hiệu quả khi tàu sân bay Nhật bị máy bay đối phương tấn công.

{keywords}
Tàu Yorktown bị trúng ngư lôi phóng từ trên không. Ảnh: Wikimedia

Thứ ba, chỉ huy hạm đội tàu tấn công của Nhật là Phó đô đốc Nagumo đã làm trái lệnh của Tổng chỉ huy chiến dịch-Đô đốc Yamamoto về việc dự trữ một phi đoàn máy bay ném bom bổ nhào và một phi đoàn máy bay thả ngư lôi, để tấn công tàu chiến Mỹ bất cứ lúc nào. Nagumo đã ra lệnh tháo ngư lôi khỏi máy bay để chuyển sang gắn bom và tấn công các mục tiêu mặt đất, đến khi phát hiện ra hạm đội Mỹ thì lại quyết định chờ các máy bay oanh kích đảo Midway quay trở về rồi mới tấn công.

Nếu Nagumo không ra lệnh tháo ngư lôi, hoặc nếu ông ta nghe theo đề nghị của cấp dưới, ra lệnh tung máy bay tấn công ngay khi nhận được thông báo về vị trí của hạm đội Mỹ thì với hơn 150 máy bay được tung ra, quân Nhật sẽ gây cho hạm đội Mỹ những thiệt hại nặng hơn rất nhiều, thậm chí 150 máy bay đó hoàn toàn có đủ khả năng tiêu diệt cả 3 tàu sân bay Mỹ cùng nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục hộ tống, và khi đó Nhật Bản mới là bên chiến thắng.

Thứ tư, bộ chỉ huy Nhật không thực hiện được yếu tố bất ngờ, toàn bộ kế hoạch tiến công, động thái di chuyển của hạm đội Nhật bị phía Mỹ nắm được một cách chặt chẽ thông qua việc giải mật hệ thống thông tin liên lạc của Cục tác chiến Bộ hải quân Nhật Bản. Chính vì thế, Mỹ đã hoàn toàn chủ động trong suốt quá trình trận đánh.

Thứ năm, hàng loạt các may mắn ngẫu nhiên đã giúp Mỹ chống lại Nhật. Phi đội ném bom Mỹ tình cờ tìm thấy hạm đội Nhật đúng lúc họ sắp hết nhiên liệu và định quay về, đúng lúc các tiêm kích Nhật đang bận đối phó với 1 phi đội Mỹ khác, và cũng đúng lúc các tàu sân bay Nhật dễ bị tổn thương nhất: máy bay đang nạp nhiên liệu và thay vũ khí để chuẩn bị xuất kích nên chỉ cần trúng 1 quả bom cũng đủ gây ra kích nổ dây chuyền phá hủy cả con tàu.

Chỉ trong 15 phút định mệnh, 3 sự may mắn đã liên tiếp đến với phía Mỹ. Nếu không có 3 may mắn liên tiếp này, quân Mỹ sẽ không thể đánh trúng, hoặc đánh trúng nhưng chỉ gây hư hại chứ không thể làm chìm tới 3 tàu sân bay cỡ lớn của Nhật. Ở chiều ngược lại, người Nhật lại gặp xui xẻo khi chiếc máy bay trinh sát trên tàu tuần dương Tone bị trục trặc, làm chậm đòn tấn công của Nhật mất 30 phút, nếu không, các tàu sân bay Nhật đã kịp tung ra đòn tấn công trước khi máy bay Mỹ kịp xoay trở.

Là một trong những trận chiến hải quân quan trọng nhất trong Thế chiến II, trận Midway đã gây thiệt hại lâu dài cho lực lượng tấn công của hải quân Nhật, giúp Mỹ đạt được cân bằng lực lượng với đối phương. Tuy nhiên, thời gian sau đó, hải quân Nhật tiếp tục tác chiến mạnh mẽ, và phải mất nhiều tháng nữa, hải quân Mỹ mới chuyển được từ trạng thái cân bằng sang trạng thái chiếm ưu thế.

Nguyên Phong

'Cối xay thịt' của Thế chiến hai

'Cối xay thịt' của Thế chiến hai

Đầu tháng 12/1941, qua ba đợt tấn công bị tổn thất rất nặng nề, tăng viện và tiếp tế khó khăn, quân đội Đức Quốc xã bị chặn đứng tại cửa ngõ Moscow và phải chuyển sang thế trận phòng ngự.

Trận 'Trân Châu cảng' thứ hai  ở mặt trận Thái Bình Dương

Trận 'Trân Châu cảng' thứ hai ở mặt trận Thái Bình Dương

Ngày 7/12/1941, Nhật bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu cảng của Mỹ ở Thái Bình Dương, buộc Mỹ phải chính thức tham gia chiến tranh Thế giới thứ hai.