Thông tin trên được trang tin Bloomberg trích dẫn từ tuyên bố của một chính quyền song song ở Myanmar, được thành lập bởi các đồng minh chủ chốt của nhà lãnh đạo đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi, cùng các thành viên Quốc hội Myanmar bị quân đội đảo chính hôm 1/2.
Tuyên bố được công khai hôm 31/3 cho biết, chính phủ mới này sẽ là một liên minh của tất cả các lực lượng dân chủ dựa theo các điều khoản của Hiến chương Dân chủ Liên bang, dưới sự lãnh đạo mang tính tập thể. Quyền phó Tổng thống Mahn Win Khaing Than, và các bộ trưởng lâm thời của Myanmar, “sẽ tiếp tục thực thi các trách nhiệm của mình trước khi thành lập chính phủ mới”.
Cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ song song Myanmar tại Mandalay hôm 11/3. Ảnh: EPA |
Với ưu tiên chấm dứt chế độ quân sự, chính phủ đoàn kết của Myanmar sẽ bao gồm tổng thống, cố vấn nhà nước - chức vụ trước đây do bà Aung San Suu Kyi đảm nhiệm, hai phó tổng thống, một thủ tướng, các bộ trưởng và đại biểu quốc hội. Ngoài ra, chính phủ mới này sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho các lãnh đạo cấp nhà nước, đặt họ lên trên các bộ trưởng công đoàn.
Các thành viên chính quyền song song tại Myanmar cũng tuyên bố bãi bỏ Hiến pháp năm 2008 của chính quyền quân sự, có hiệu lực ngay lập tức, đồng thời phê chuẩn Hiến chương Dân chủ Liên bang dài 20 trang, nhằm tạo tiền đề để soạn thảo bản hiến pháp mới thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Myanmar.
“Hiến pháp năm 2008 được soạn thảo không chỉ để kéo dài chế độ quân sự, mà còn ngăn cản sự xuất hiện của một liên minh dân chủ cấp liên bang,” tuyên bố của chính quyền song song, còn được gọi là Ủy ban Đại biểu Pyidaungsu Hluttaw (viết tắt là CRPH), cho biết.
Bản Hiến chương Dân chủ Liên bang, văn kiện thể hiện sự đồng thuận trên diện rộng của các thành viên CRPH, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính phủ mới của Myanmar. Trước đó, chính quyền quân sự nước này đã tuyên bố ủy ban này là bất hợp pháp, và đe dọa sẽ có những động thái pháp lý đối với bất kỳ ai có mối liên hệ với CRPH, dựa theo Đạo luật về lập hội bất hợp pháp được ban hành dưới thời thuộc địa.
Tuyên bố của CRPH được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa nhóm họp trong hôm 31/3, để thảo luận về tình hình ngày càng xấu đi tại Myanmar. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, ít nhất 536 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar kể từ ngày 1/2 cho đến nay.
Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, cho biết cần có một phản ứng quốc tế mang tính thống nhất và bền vững để tránh đẩy quốc gia Đông Nam Á "đến bờ vực sụp đổ".
Việt Anh
Liên Hợp Quốc lo nguy cơ xung đột, Myanmar bất ngờ tuyên bố ngừng bắn
Myanmar đã ghi nhận ít nhất 536 người thiệt mạng liên quan đến các cuộc biểu tình nổ ra kể từ cuộc chính biến hôm 1/2.
Mỹ sơ tán các nhà ngoại giao khỏi Myanmar
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/3 đã ra lệnh cho tất cả nhân viên ngoại giao không quan trọng của nước này và gia đình họ rời khỏi Myanmar.