Để duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đấu, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, xứ sở kim chi đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ: Nhân lực đủ điều kiện nhập ngũ tại nước này đang trên đà giảm nhanh.
Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, theo ước tính của quân đội Hàn Quốc, năm 2022, lượng binh sĩ nước này sẽ giảm đi 1/6 so với năm 2021.
Và trong 20 năm tới, số lượng binh sĩ trong quân đội có thể chỉ bằng một nửa so với hiện tại.
Trước tình hình này, người đang có tham vọng tranh cử vị trí tổng thống Hàn Quốc tiếp theo, ông Park Yong Jin đã đề xuất nghĩa vụ quân sự bắt buộc với tất cả công dân trẻ, bao gồm cả nam và nữ.
Nhà lập pháp Park Yong-jin đề xuất rằng tất cả các công dân trẻ nên trải qua vài tháng đào tạo cơ bản trong quân đội, bao gồm cả nữ giới. Ảnh: Yonhap News. |
Đề xuất này đang gây tranh cãi về tương lai của quân đội Hàn Quốc và vai trò của phụ nữ trong lực lượng vũ trang cũng như xã hội nước này. Ông Park Yong Jin đề xuất nghĩa vụ quân sự bắt buộc với phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuy nhiên, Chung Young Ai, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, cho rằng hướng lập luận này "có vấn đề".
"Tranh luận về nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nữ giới không xuất phát từ mục tiêu bình đẳng giới mà là từ những tiếng nói yêu cầu phụ nữ phải trải qua những bất lợi giống đàn ông", bà Chung nói.
Theo đánh giá từ Wall Street Journal, đề xuất này có thể nằm trong chiến lược của ông Park tại quốc gia mà việc thay đổi quy định nghĩa vụ quân sự có thể mang lại lợi thế chính trị.
Trước đó, Tổng thống Moon Jae In đã thu hút các cử tri nam trẻ tuổi trong chiến dịch tranh cử năm 2017 bằng cách cam kết giảm thời gian phục vụ bắt buộc trong quân đội.
Không còn là “thành trì" của nam giới
Ý tưởng sửa đổi yêu cầu nghĩa vụ quân sự đã giành được sự chú ý của đông đảo người dân sau khi ông Park viết trong cuốn sách có tên “Cách mạng chính trị”.
Cùng ngày cuốn sách được xuất bản vào tháng 4, một bản kiến nghị kêu gọi phụ nữ tham gia quân đội đã được soạn thảo và đăng tải lên trang web của tổng thống Hàn Quốc.
Bản kiến nghị trực tuyến gửi tới văn phòng của Tổng thống Moon Jae In đã nhận được gần 300.000 chữ ký tính đến ngày 18/5, đủ điều kiện yêu cầu chính phủ phải trả lời trong vòng 30 ngày.
“Phụ nữ nhập ngũ sẽ giúp tạo ra một lực lượng quân đội dự bị mạnh mẽ”, ông Park nói. Đề xuất của ông sẽ tăng số quân dự bị của đất nước lên gần gấp 7 lần so với mức hiện tại.
Nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét lại các chính sách nhập ngũ trong quân đội.
Với lập luận chiến tranh hiện đại không chỉ đòi hỏi thể chất mà còn cả kỹ năng khác, từ lâu, quân đội đã được biết đến do nam giới “thống trị".
Tuy nhiên, năm 2013, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm tham gia chiến đấu trong quân đội đối với phụ nữ.
Thụy Điển và Na Uy trong những năm gần đây đã áp dụng quy định bình đẳng giới trong quân đội. Pháp cũng đang thí điểm việc cho phép nữ giới nhập ngũ. Nếu thành công, quy định này có thể trở thành bắt buộc.
“Quân đội là thành trì cuối cùng của nam giới theo nhiều cách. Trong nhiều thập kỷ, việc nữ giới tham gia được coi là điều không thể”, bà Alma Persson, học giả Thụy Điển nghiên cứu về quan hệ giới trong quân đội cho biết. “Nhưng giờ đây nó đã trở thành vấn đề không cần bàn cãi".
Một bản kiến nghị gửi tới văn phòng tổng thống yêu cầu nữ giới nhập ngũ đã nhận được hơn 300.000 chữ ký. Ảnh: Reuters. |
Tác động từ dân số giảm
Tại Hàn Quốc, nơi luôn rình rập mối đe dọa từ Triều Tiên, duy trì quân đội hùng hậu từ lâu đã là ưu tiên số một.
Thời gian phục vụ quân đội tại nước này là 18 tháng. Đây là thời gian bắt buộc nhập ngũ lâu nhất thế giới, chỉ xếp sau Singapore, Thái Lan, Israel và Triều Tiên.
Ở Hàn Quốc, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, những người đàn ông khỏe mạnh phải đi nghĩa vụ trước 28 tuổi.
Quốc gia này có khoảng 550.000 quân tại ngũ và 2,7 triệu quân dự bị. Tuy nhiên, con số đã bị thu hẹp trong những năm gần đây do tỷ lệ sinh con thấp báo động.
Dân số nước này giảm lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 0.84. Để duy trì dân số ở mức hiện tại, Hàn Quốc sẽ cần nâng tỷ lệ này lên con số 2.1.
Nhằm đối phó với tình trạng suy giảm số lượng binh sĩ, quân đội Seoul đã có kế hoạch thúc đẩy việc sử dụng thiết bị công nghệ cao như máy bay không người lái và tăng cường tuyển phụ nữ.
Tuy nhiên, trước những ý kiến về việc yêu cầu nữ giới nhập ngũ, quân đội nước này cho rằng vấn đề nên được quyết định sau khi xem xét toàn diện và được sự đồng thuận của công chúng.
Theo một cuộc thăm dò gần đây do Viện Ý kiến Xã hội Hàn Quốc thực hiện, khoảng một nửa người Hàn Quốc ủng hộ việc nhập ngũ của phụ nữ, trong khi nửa còn lại phản đối.
Ý kiến nữ giới nhập ngũ được sự ủng hộ đa số từ những người ở độ tuổi 20-30.
Cô Haley Cha (32 tuổi) cho biết có rất nhiều vị trí bên cạnh những vị trí chiến đấu nguy hiểm mà nữ giới có thể tham gia, bao gồm công việc hành chính hoặc y tế.
“Việc xem phụ nữ không có khả năng phục vụ quân đội sẽ tiếp tục củng cố quan niệm sai lầm rằng họ yếu đuối”, cô Cha nói.
Lo ngại khi tham gia quân đội
Mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ Hàn Quốc là trong vài tháng đào tạo tại quân đội, liệu họ có được đảm bảo an toàn trước các vấn đề liên quan đến bạo lực tình dục hay không.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lo ngại vấn đề bạo lực tình dục trong quân đội. |
Vấn đề xâm hại tình dục tại một môi trường vốn được biết đến do nam giới “thống trị" đã đặt ra những lo ngại cho nữ giới nước này.
Gần đây, một sĩ quan thuộc lực lượng không quân Hàn Quốc đã bị bắt vì cáo buộc quấy rối tình dục và gây thương tổn cho nữ đồng nghiệp, dẫn đến việc nạn nhân tự kết liễu đời mình.
Vụ việc đã làm dấy lên những lời chỉ trích đối với quân đội Hàn Quốc vì không có các biện pháp tốt hơn để bảo vệ quân nhân nữ chống lại quấy rối, lạm dụng tình dục.
Giám đốc điều hành tại Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Hàn Quốc Kim Eun Ju nhận định cần có một cuộc “đại trùng tu” quân đội hiện nay.
Các biện pháp bảo vệ nữ giới, chống lại bạo lực tình dục, nên đi trước bất kỳ cuộc tranh luận nào về việc buộc phụ nữ tham gia nhập ngũ, bà cho biết.
Theo Zing
Sức mạnh chiến đấu của quân đội Hàn Quốc
Thực hiện Đề án cải cách từ tháng 11/2005, đến nay, quân đội Hàn Quốc đang dần tiến tới mục tiêu có cơ cấu hợp lý, tinh nhuệ, hiệu quả, trang bị hiện đại, khả năng chiến đấu cao.
Covid-19 phát tán mạnh trong quân đội Hàn Quốc
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, sáng nay (24/2), có 11 quân nhân được xác nhận nhiễm Covid-19, khoảng 7.700 người bị cách ly để ngăn chặn virus lây lan sang các doanh trại khác.