Theo các đề xuất của chính phủ Ba Lan, các thẩm phán có thể bị trừng phạt vì tham gia vào "hoạt động chính trị". Bất kỳ thẩm phán nào đặt ra nghi vấn về tính hợp pháp của những thẩm phán do Hội đồng Tư pháp quốc gia (NCJ) tiến cử cũng có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí cách chức trong một số trường hợp.
Theo BBC, các chính trị gia Ba Lan sẽ bắt đầu thảo luận về những đề xuất trên vào ngày mai, 19/12. Đảng Công lý và Luật pháp (PiS) cầm quyền tuyên bố những thay đổi luận như trên là cần thiết để giải quyết nạn tham nhũng cũng như cải tổ hệ thống tư pháp trong nước.
Song, EU cáo buộc đảng PiS bảo thủ đã chính trị hóa bộ máy tư pháp kể từ khi lên nắm quyền ở Ba Lan vào năm 2015. Tòa án Tối cao Ba Lan cũng cho rằng, các đề xuất của đảng PiS đang đe dọa tính ưu việt của luật pháp EU và có thể là một âm mưu nhằm làm suy yếu hệ thống tư pháp nhằm cho phép Tổng thống Andrzej Duda chọn một lãnh đạo tòa án mới trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2020. Nếu được phê chuẩn, chúng có thể dẫn đến nguy cơ Ba Lan buộc phải rời khỏi EU.
Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) đang xem xét trường hợp của Ba Lan, liên quan đến những quy định đối với các thẩm phán.
Các thẩm phán Ba Lan hiện do NCJ, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ tính độc lập của hệ thống tư pháp, tiến cử và trước đây vẫn bao gồm các thành viên do chính các thẩm phán bỏ phiếu lựa chọn. Song, vào năm 2018, đảng cầm quyền đã điều chỉnh luật để đa số các thẩm phán trong NCJ do Hạ viện (vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng PiS) bổ nhiệm.
Hệ thống Hội đồng Tư pháp châu Âu đã đình chỉ tư cách thành viên của NCJ Ba Lan với lí do cơ quan này không còn độc lập về chính trị nữa.
Tuấn Anh