Công tố viên Karim Khan cho biết, mặc dù Ukraine không phải là thành viên của ICC nhưng nước này đã trao quyền tài phán cho tòa. Theo ông Khan, hiện có cơ sở để mở cuộc điều tra dựa trên kết quả điều tra sơ bộ trước đó, công bố hồi năm ngoái về bán đảo Crưm và vùng ly khai Donbass cũng như các sự kiện hiện tại ở Ukraine.

{keywords}
Một tòa chung cư ở thủ đô Kiev, Ukraine bị phá hủy trong cuộc pháo kích của quân Nga ngày 25/2. Ảnh: AP

Báo Guardian dẫn lời công tố viên ICC hôm 28/2 nói, ông có thể yêu cầu các thẩm phán ICC phê chuẩn cuộc điều tra, nhưng mọi chuyện sẽ diễn ra nhanh hơn nếu một nước thành viên ICC khiếu nại vụ việc lên văn phòng của ông. Ông Khan giải thích, việc đó sẽ cho phép văn phòng công tố "chủ động xúc tiến quá trình điều tra độc lập, khách quan ngay lập tức".

Trước đó cùng ngày, Lithuania đã kêu gọi ICC mở cuộc điều tra về khả năng Nga và Belarus đã phạm phải các tội ác chiến tranh tại Ukraine. Viết trên tờ Washington Post, Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte bày tỏ hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải hầu tòa ở The Hague.

Theo CNN, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của ICC. Ông Kyslytsya cho hay, công tố viên ICC sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của tất cả các nước và cộng đồng quốc tế nói chung khi xúc tiến điều tra, đồng thời sẽ kêu gọi đóng góp ngân sách bổ sung để hỗ trợ quá trình này.

Chính phủ Ukraine trước đó đã khởi kiện Nga lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). "Nga phải chịu trách nhiệm về việc thao túng khái niệm diệt chủng để biện minh cho hành động tấn công. Chúng tôi yêu cầu một phán quyết khẩn cấp buộc Nga phải chấm hoạt động quân sự ngay bây giờ. Các phiên xét xử dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter ngày 27/2.

David Bosco, một chuyên gia về tư pháp quốc tế tại Đại học Indiana, nhận định việc khởi kiện lên ICJ “là một động thái mang tính biểu tượng của Ukraine”. “Điều đó sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì việc ICJ có quyền tài phán hay không, không thực sự rõ ràng. Và ngay cả khi tòa có quyền đó, đây sẽ là quá trình mất rất, rất nhiều thời gian", ông Bosco giải thích.

Tuy nhiên, ông Bosco nói, với trường hợp của ICC, do Lithuania đã có khiếu nại nên công tố viên của tòa sẽ không cần tìm kiếm sự chấp thuận của các thẩm phán để khởi động quá trình điều tra, do đó mọi việc diễn ra nhanh hơn.

“Nếu ICC điều tra, điều này đồng nghĩa, từ quan điểm của họ, họ có quyền tài phán đối với bất kỳ người Nga nào trên lãnh thổ Ukraine và đối với bất kỳ tội ác nào được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine. Song, đó phải là tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc tội ác diệt chủng", ông Bosco nhấn mạnh.

Tuấn Anh

>>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine trên Vietnamnet

Ukraine khởi kiện Nga lên Tòa án Công lý quốc tế

Ukraine khởi kiện Nga lên Tòa án Công lý quốc tế

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nước này đã khởi kiện Nga lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại The Hague, Hà Lan vì cuộc tấn công quân sự của Moscow.