Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui, các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Ấn Độ có thể là một chủ đề trọng yếu trong các cuộc hội đàm giữa Bắc Kinh và New Delhi.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau một cuộc hội đàm. Ảnh: Hindustan Times

"Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương đã trỗi dậy rất nhiều. Đối phó với các hoạt động bắt nạt, bảo hộ thương mại của Mỹ như thế nào là một câu hỏi quan trọng", ông Zhang nhấn mạnh.

Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) dự kiến khai mạc ở thủ đô Bishkek, Kyrgyztan vào cuối tuần này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề sự kiện.

Ông Zhang nhấn mạnh, lãnh đạo Trung - Ấn sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề bảo vệ công lý và chống chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại toàn cầu. Song, quan chức này cũng bày tỏ hy vọng hai nước láng giềng sẽ đạt nhất trí về thương mại song phương.

Giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới. Cho đến nay, Nhà Trắng đã áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỉ USD. Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp tương tự.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Washington tìm cách loại tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei khỏi các thị trường Mỹ và châu Âu.

Theo báo RT, các vụ tấn công mới nhất của Mỹ vào những đối tác thương mại lâu năm đã ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Washington - New Delhi. Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% và 10% lần lượt lên thép và nhôm của Ấn Độ. Hồi đầu tháng này, Ấn Độ cũng chính thức bị gạch tên khỏi một thỏa thuận miễn thuế nhập khẩu, vốn cho phép nước này xuất khẩu hơn 5 tỉ USD hàng hóa sang thị trường Mỹ mỗi năm.

Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng buộc Ấn Độ chấm dứt mua dầu mỏ từ Iran và Venezuela. Washington đồng thời yêu cầu New Delhi phải hủy bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa mệnh danh "rồng lửa" S-400 tân tiến của Nga.

Tuấn Anh