Công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên có thể đạt tới điểm bùng nổ nếu Washington và Bình Nhưỡng không chịu đàm phán.

Trên đây là lời cảnh báo của một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc.

{keywords}

Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa khiến nhiều nước lo ngại.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) đưa tin, trong một bài phân tích mới được tổ chức cố vấn Mỹ Brookings Institution đăng tải, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc Fu Ying cho rằng hy vọng chính quyền Kim Jong Un sụp đổ hoặc đầu hàng trước sức ép cấm vận là điều không tưởng.

"Cấm vận có thể gây áp lực lớn, nhưng đất nước đó có thể chịu đựng và sẽ không từ bỏ phát triển hạt nhân...", bà Fu viết. "Không khó để thấy rằng tình hình này có thể làm cho vấn đề trượt vào một vòng xoáy cấm vận tăng cường và thử hạt nhân liên tục cho đến khi công nghệ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đạt tới điểm bùng nổ".

Nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định, một khi đã đạt tới điểm đó thì những nước phản đối Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có thể sẽ phải "đối mặt với lựa chọn khó khăn, hoặc phải hành động mạnh mà không lường được hậu quả, hoặc là chấp nhận".

Bà Fu phân tích thêm rằng sẽ là không tưởng nếu Mỹ và Hàn Quốc hy vọng chính quyền Kim Jong Un sụp đổ vì cấm vận kinh tế.

"Thực tế là kinh tế Triều Tiên đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất. Kim Jong Un... đã ổn định được tình hình trong nước", bà Fu nói thêm.

Quan điểm của bà Fu phản ánh lập trường chính thức của Bắc Kinh. Và bài viết kể trên được xuất bản giữa lúc Mỹ gia tăng cảnh báo về một hành động quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy thế, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Theo bà Fu, lựa chọn duy nhất là trở lại bàn đàm phán nhưng thảo luận sẽ phải quyết liệt hơn so với tiến trình đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên hồi năm 2003.

"Những thăng trầm và trở ngại xuyên suốt các cuộc đàm phán đa phương đã làm xói mòn niềm của các bên vào đối thoại", bà Fu viết. "Nếu đối thoại được nối lại, liệu các bên có chấp nhận một thực tế như vậy hay không, và câu hỏi vẫn để mở là liệu họ có thể tái khởi động đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết".

Nhà ngoại giao Trung Quốc nhắc lại kêu gọi của Bắc Kinh rằng Bình Nhưỡng dừng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận quy mô lớn.

Hôm 1/5, Tổng thống Trump lên tiếng nói rằng ông sẽ xem xét gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "trong hoàn cảnh thích hợp".

Lu Chao - thuộc Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh - nhận định, đề nghị của ông Trump có thể mang tính "tích cực" cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, và vấn đề chỉ có thể được giải quyết bởi hai phía, Mỹ và Triều Tiên.

Thanh Hảo