Theo báo Bưu điện Washington, phát biểu trong cuộc họp với các quan chức chính phủ hôm 10/3, Tổng thống Putin nói rằng, Nga phải "giới thiệu việc quản lý bên ngoài" đối với các doanh nghiệp sắp rời đi, "và sau đó chuyển giao các doanh nghiệp này cho những ai muốn làm việc".
Ông cũng tán thành một dự luật cho phép Chính phủ Nga tiếp quản và sau đó bán các doanh nghiệp đã rời khỏi nước này.
“Tôi không nghi ngờ gì về việc các biện pháp trừng phạt (từ phương Tây) sẽ được áp dụng bất kể lý do gì”, ông Putin cho biết. “Giống như cách chúng ta đã vượt qua những khó khăn này những năm trước đó, chúng ta cũng sẽ vượt qua chúng ở thời điểm hiện tại”.
Người Nga xếp hàng trước một cửa hàng của hãng thời trang Uniqlo tại Moscow hôm 9/3. Ảnh: Reuters |
Trước đó, một ủy ban lập pháp của Nga hôm 9/3 đã thông qua dự luật được đảng Nước Nga Thống nhất đề xuất, trong đó cho phép “quốc hữu hóa” tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài đang rút các hoạt động kinh doanh khỏi quốc gia này.
Một tuyên bố của đảng Nước Nga Thống nhất trong tuần này cho biết, dự luật quốc hữu hóa sẽ cho phép Chính phủ Nga yêu cầu tòa án áp lệnh quản lý từ bên ngoài đối với các nhà máy, cửa hàng cùng các cơ sở khác bị các doanh nghiệp sắp rời khỏi Nga bỏ lại để “ngăn chặn phá sản và duy trì việc làm”. Việc quản lý bên ngoài dự kiến kéo dài trong 3 tháng, sau đó Chính phủ Nga sẽ đưa các tài sản này ra đấu giá.
Cũng theo tuyên bố, quy tắc trên sẽ áp dụng cho các công ty có hơn 25% cổ phần được sở hữu bởi các thực thế nước ngoài hoặc “các chính phủ không thân thiện” với Nga. Tuy nhiên, những công ty thuộc diện bị “quốc hữu hóa” vẫn có thể trì hoãn quá trình này, nếu họ khởi động lại hoạt động kinh doanh của mình trong vòng 5 ngày kể từ khi lệnh của tòa án có hiệu lực, hoặc bán bớt tài sản để duy trì hoạt động kinh doanh và việc làm.
Đề xuất của đảng Nước Nga Thống nhất là một trong số những biện pháp của Nga nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế từ “những chính phủ không thân thiện”, cũng như đối phó với làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đang rút dần các hoạt động kinh doanh khỏi Nga.
Theo ước tính từ Trường Quản lý Yale (Mỹ), hơn 330 doanh nghiệp và công ty nước ngoài đã tuyên bố ngừng kinh doanh tại Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lý do mà các doanh nghiệp này đưa ra chủ yếu là để phản đối hành động quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản thanh toán và nhập khẩu nguồn hàng cung cấp vào Nga, do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Việt Anh
Ảnh vệ tinh hé lộ Nga tái phân bố đoàn xe hùng hậu áp sát Kiev
Các ảnh chụp vệ tinh mới nhất hé lộ, đoàn xe quân sự hùng hậu của Nga, kéo dài hơn 64km ở phía tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine hiện "gần như phân tán và được phân bố lại".
Nga kiểm soát thêm các khu vực gần Mariupol, chậm đà tiến gần Kiev
Nga được cho là đã kiểm soát một số khu vực lân cận Mariupol và tiếp tục cố gắng bao vây thủ đô Kiev của Ukraine từ phía bắc và phía tây.