Khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu chọn 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an. Có 6 nước ứng cử cho 5 vị trí, trong đó 2 vị trí dành cho nhóm các nước châu Phi, một vị trí cho nhóm các nước Mỹ Latinh, một vị trí cho nhóm nước Đông Âu và một vị trí cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Ảnh: Liên Hợp Quốc |
Kỳ bầu cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an lần này được cho là khá thuận lợi đối với các nước ra ứng cử, bởi ngoài Estonia và Romania phải cạnh tranh phiếu cho một vị trí dành cho nhóm nước Đông Âu, 4 ứng viên còn lại gồm Việt Nam, Niger, Tunisia cùng Saint Vincent và Grenadines đều là ứng viên duy nhất đại diện cho khu vực của mình.
Việt Nam là ứng viên duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào Hội đồng.
Trước đó, Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 – 2009, đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Mặc dù quá trình tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam chưa dài nhưng đã đạt được những kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hội đồng Bảo an có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, Hội đồng được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
Hôm 6/6, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế".
Thanh Hảo