LTS: Trong các năm 2007-2008, Bộ Quốc phòng giao cho Tổng cục II phối hợp với một số bộ, ngành thực hiện Đề án cấp Nhà nước KĐ-07 phục vụ các hoạt động kỷ niệm 30 năm chiến thắng chế độ diệt chủng (1979-2009). Một trong những “nhánh” của Đề án là xây dựng bộ phim tài liệu “Những năm tháng máu và hoa”.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Song về những ấn tượng của ông trong lần phỏng vấn Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại tư dinh ở Takhmao, tỉnh Kandal, cách thủ đô Phnom Penh 10km về phía nam. Tác giả Nguyễn Đăng Song tham gia xây dựng bộ phim với vai trò đồng tác giả kịch bản và đạo diễn. 

{keywords}
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AP

Lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với một nguyên thủ quốc gia nên đa số anh em trong đoàn đều tỏ ra lo lắng, mặc dù mỗi người đều thuộc lòng phần việc của mình và mặc dù được sự đồng ý của Chỉ huy Lữ đoàn 70 bảo vệ thủ tướng, đoàn đã có mặt sớm 30 phút để “bày binh bố trận” và để đỡ hồi hộp.

Vừa bước vào phòng khách, Thủ tướng Hun Sen đi bắt tay từng người trong đoàn Việt Nam, các quan chức, nhân viên, phóng viên Campuchia và ngỏ ý xin lỗi vì ông đến trễ 10 phút do cuộc họp do ông chủ trì trước đó kéo dài hơn kế hoạch. Tác phong gần gũi của người đứng đầu Chính phủ Campuchia làm chúng tôi cảm thấy bớt lo lắng và căng thẳng để tự tin bắt tay vào công việc.

Đồng chí trưởng đoàn phát biểu, chúc sức khỏe Hun Sen và nêu mục đích, yêu cầu của đoàn làm phim. Ông Hun Sen chăm chú lắng nghe qua người phiên dịch, sau đó nói: "Tôi đề nghị thế này, tôi sẽ trả lời cùng lúc cả 3 câu hỏi để về nhà, các đồng chí dễ xử lí".

Tiếp đó, Thủ tướng Hun Sen “độc thoại” khoảng 30 phút, sau đó bất ngờ nói bằng tiếng Việt rằng "tôi đã trả lời phỏng vấn đúng như kịch bản của các đồng chí. Bây giờ, tôi sẽ nói thêm bằng tiếng Việt để các đồng chí hiểu rõ vấn đề".

Cần phải nói rằng, ông Hun Sen nói một thứ tiếng Việt dĩ nhiên là mang âm hưởng của người nước ngoài, nhưng cực kỳ hấp dẫn, khúc triết, dễ hiểu đến mức sau này chúng tôi dựa chủ yếu vào “phiên bản” tiếng Việt này để dựng phim.

Đơn cử, trong khi anh em còn lúng túng trong việc diễn đạt bản chất của chế độ Pol Pot thì Thủ tướng Hun Sen đã nói: “Từ đầu đến cuối, Pol Pot và đồng bọn đứng trên lập trường của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa quá khích và chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Mọi đường lối, chính sách của chúng đều quái đản và man rợ, đi ngược lại bản chất nhân văn cao cả của con người, trái ngược với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Campuchia”.

Không chịu được sự kìm kẹp, khủng bố dã man của tập đoàn Pol Pot, hàng chục vạn người dân Campuchia trong đó có nhiều chiến sỹ cách mạng chân chính đã tìm đường chạy sang Việt Nam. Ngày 20/6/1977, ông Hun Sen cũng chạy sang vùng Lộc Ninh, Bình Phước của Việt Nam và đề nghị giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 12/5/1978, tại căn cứ Long Giao (Đồng Nai), đơn vị đầu tiên của Lực lượng vũ trang đoàn kết Campuchia được thành lập, do ông Hun Sen chỉ huy.

Những ngày sau đó, số đơn vị của Lực lượng vũ trang đoàn kết Campuchia đã tăng lên nhanh chóng. Ông Hun Sen nhớ lại: “Chúng tôi lúc đó chủ trương xây dựng lực lượng, một bộ phận ở dọc biên giới Việt Nam, một bộ phận bên trong lãnh thổ Việt Nam. Tôi tính toán có khi phải cần 3-5 năm để đánh đổ chế độ Pol Pot. Nhưng tình hình khẩn trương lắm rồi…”.

Ngày 30/11/1978, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 (Thủ Đức, TP. HCM), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do ông Heng Samrin làm Chủ tịch được thành lập. Ngày 23/12/1978, khi quân Khmer Đỏ sử dụng một lực lượng lớn hòng đánh chiếm thị xã Tây Ninh, quân đội Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang Cách mạng Campuchia đã tiến hành phản công, đồng thời tiến công trên tất cả các hướng.

Ngày 7/1/1979, giải phóng thủ đô Phnom Penh và 25 ngày sau đánh tan 23 sư đoàn Pol Pot, giải phóng tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước Campuchia, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Ông Hun Sen trầm ngâm: “Nhưng nếu đánh đổ Pol Pot rồi mà quân đội Việt Nam rút về nước ngay, thì chúng ta không có được thành tựu như ngày hôm nay, vì chế độ diệt chủng Pol Pot được thế lực phản động bên ngoài hậu thuẫn có tham vọng quay lại cầm quyền trong khi chính quyền, quân đội nhân dân Campuchia còn non trẻ, không có đủ lực lượng ngăn chặn. Do đó, chúng tôi yêu cầu quân đội Việt Nam tiếp tục ở lại Campuchia để giúp ngăn chặn chế độ diệt chủng Pol Pot quay trở lại”.  

Người trợ lí bước đến nói nhỏ vào tai Hun Sen. Ông đưa tay nhìn đồng hồ - buổi làm việc với đoàn Việt Nam đã quá một tiếng so với dự kiến. Song dường như ông vẫn chưa hết xúc động. Ông nói: “Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã có đóng góp hết sức to lớn để giúp nhân dân, đất nước Campuchia được hồi sinh...

Tôi xin gửi đến các ông bố, bà mẹ, bác trai, bác gái, chú, thím, các anh, các chị, các em trai, em gái, các cháu có bố, mẹ đã tham gia chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng Pol Pot... Nay, người còn sống, người hi sinh, người bị thương, chúng tôi đều ghi nhớ công ơn họ. Sự hi sinh mất mát này đã đóng góp cho công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia”.

Nhiều năm trôi qua, song những hình ảnh, ấn tượng về cuộc phỏng vấn ông Hun Sen dường như vẫn còn nguyên trong tâm trí chúng tôi.

>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên VietNamNet

Nguyễn Đăng Song

Ông Hun Sen mong cháu mình có thể kế nhiệm chức thủ tướng

Ông Hun Sen mong cháu mình có thể kế nhiệm chức thủ tướng

Thủ tướng Campuchia Hun Sen kỳ vọng một trong những người cháu của ông có thể phấn đấu để trở thành lãnh đạo tương lai của đất nước.

Con trai ông Hun Sen trở thành ứng cử viên thủ tướng Campuchia

Con trai ông Hun Sen trở thành ứng cử viên thủ tướng Campuchia

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong hôm nay (24/12) đã bỏ phiếu ủng hộ ông Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Hun Sen, làm ứng cử viên thủ tướng Campuchia.