Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu đã đưa ra nhận định trên trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 23/1. Dù khuyến cáo mọi người nên đề cao cảnh giác vì khả năng đột biến của virus corona chủng mới, nhưng ông Kluge dự đoán "một giai đoạn tĩnh lặng tiếp sau Omicron, trước khi Covid-19 có thể quay trở lại vào cuối năm nay, nhưng không nhất thiết là đại dịch".
Người dân đeo khẩu trang phòng chống dịch trên đường phố Paris, Pháp. Ảnh: Xinhua/REX |
Ông Kluge tin, mức độ “miễn dịch toàn cầu” có thể đạt được trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng tới, do sự kết hợp của nhiều yếu tố gồm tình trạng ca mắc mới tương đối cao, tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng và xu hướng "giảm thời vụ" khi Bắc bán cầu bước vào mùa xuân.
Cũng như phần còn lại của thế giới, khu vực châu Âu theo phân chia giám sát của WHO gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt. Trong tuần kết thúc vào ngày 18/1, tỷ lệ ca mắc mới vì Omicron đã tăng hơn gấp 2, từ 6,3% lên 15%.
Theo báo RT, hồi đầu tháng 1, WHO từng tuyên bố, hơn một nửa dân số châu Âu có thể nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron trong vài tháng tới, đồng thời mô tả sự lây lan của biến thể này như một “làn sóng thủy triều mới từ tây sang đông”.
Phát biểu trên đài BBC One, Maria van Kerkhove, một quan chức cấp cao WHO khuyến cáo các nước không nên mất cảnh giác và cho rằng họ đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch sau khi ca mắc mới giảm, tiếp sau sự bùng phát vì Omicron. Bà Kerkhove lưu ý, Omicron không phải là biến thể cuối cùng thế giới phát hiện.
Nga phá kỷ lục ca mắc mới
Nga ngày 23/1 ghi nhận số ca mắc mới phá kỷ lục quốc gia ngày thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng. Chỉ trong vòng 24 giờ, xứ sở bạch dương có thêm 63.205 ca mắc, xô đổ kỷ lục 57.212 ca ghi nhận hôm 22/1.
Theo Reuters, thủ đô Moscow hiện là tâm chấn đại dịch ở Nga với 17.528 ca mắc mới, lập kỷ lục ngày thứ 4 liên tiếp.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, Nga có 2 tuần để chuẩn bị cho sự bùng phát ca mắc Omicron, đồng thời kêu gọi tăng cường xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19 cho người dân.
Nga hiện là "ổ dịch" lớn thứ 6 thế giới với hơn 11,1 triệu ca mắc, 362.112 trường hợp tử vong.
Hàng chục nhân viên Olympic Bắc Kinh nhiễm Covid-19
Các nhà tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 cho hay, hàng chục nhân sự tham gia quá trình chuẩn bị cho sự kiện sắp diễn ra vào tháng 2 này, đã mắc virus SARS-CoV-2.
Theo Reuters, 72 trong số 2.586 nhân sự đến Trung Quốc từ ngày 4 - 22/1 có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, không có trường hợp nào mắc bệnh nằm trong số 171 vận động viên và quan chức đoàn thể thao đến đại lục trong thời gian này.
Trong số các ca dương tính, 39 trường hợp được phát hiện trong quá trình xét nghiệm tại sân bay và 33 trường hợp bên trong các "bong bóng khép kín" phân tách những người tham dự sự kiện với người dân. Tất cả những người ở trong các bong bóng thế vận hội này đều phải xét nghiệm kiểm dịch hàng ngày.
Thông tin được công bố trong bối cảnh các thành phố khắp Trung Quốc đã áp các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới, nhất là khi Thế vận hội chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa sẽ diễn ra. Nhiều thành phố khuyến cáo người dân không di chuyển hoặc yêu cầu mọi người báo cáo về chuyến đi của họ.
Trung Quốc hiện là nước duy nhất theo đuổi chính sách "Không Covid". Cho đến nay, nước này mới ghi nhận tổng cộng 105.603 ca mắc, bao gồm 4.636 ca tử vong. 88% dân số đại lục đã hoàn thành tiêm chủng và 24% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 24/1 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 351,9 triệu người, bao gồm hơn 5,6 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, trên 279,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 71,9 triệu ca mắc, hơn 889.000 bệnh nhân không qua khỏi. 63% người dân ở xứ sở cờ hoa đã tiêm đủ các mũi vắc xin cơ bản và 25% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
- Bộ Y tế Israel ngày 23/1 cho biết, những người trên 60 tuổi ở nước này được tiêm liều vắc xin thứ 4 ngừa Covid-19, đã giảm hơn 3 lần khả năng phát bệnh nặng so với những người cùng độ tuổi chưa được tiêm. Khả năng kháng virus ở nhóm đã tiêm liều vắc xin thứ 4 (mũi tăng cường thứ 2) cũng tăng gấp đôi so với những người cùng nhóm mới tiêm 3 liều.
- Cùng ngày, trong bối cảnh xuất hiện đồn đoán rằng chính phủ Malaysia sẽ phong tỏa toàn quốc do diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob khẳng định nhà chức trách sẽ không áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) một lần nữa trong dịp lễ của người Hồi giáo năm nay. Tuy nhiên, ông Ismail kêu gọi mọi người không nên tự mãn và chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục kiềm chế sự lây lan của virus, ngay cả khi đã xác định phải sống chung với dịch bệnh trong tương lai.
Tuấn Anh
>>> Đọc thời sự thế giới trên Vietnamnet
Chuyên gia dự báo bức tranh toàn cầu 2022 sau làn sóng Omicron
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã chia sẻ quan điểm về đại dịch Covid-19 cũng như viễn cảnh của thế giới năm 2022 sau sự càn quét của biến thể Omicron.
Nhật tăng hạn chế chống Omicron, thẩm phán Mỹ bác lệnh bắt buộc tiêm phòng của tổng thống
Chính phủ Nhật đã mở rộng các hạn chế nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan ở Tokyo và hàng chục khu vực khác, giữa lúc số ca mắc mới Covid-19 tăng vọt ở nhiều đô thị.