Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương, đến nay đã có 16/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tiến hành đại hội. Tính đến hết ngày 30/9 có 14/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành đại hội.
Đó là: Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Nam Định, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai và Đảng bộ Quân đội. Trong đó, 13/14 đại hội thực hiện đủ 4 nội dung; riêng Đảng bộ Quân đội tổ chức đại hội với 3 nội dung theo quy định.
5 Bí thư Tỉnh uỷ trong độ tuổi 45 - 50
Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự đại hội được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định, quy trình.
Các Đảng bộ đã xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng cấp ủy viên phù hợp tình hình thực tế của đảng bộ và việc thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy so với nhiệm kỳ trước. Việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa mới trong quy hoạch, bảo đảm số dư theo quy định.
Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan (thứ hai từ phải sang) là một trong 8 Bí thư Tỉnh ủy vừa được bầu vào khóa mới không phải người địa phương. |
Một số nơi như Yên Bái, Hà Nam… đã thành lập tổ khảo sát nhân sự để đánh giá, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy chính xác, khách quan hơn. Các đảng bộ đã tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch; chủ động bố trí, phân công điều động, luân chuyển cán bộ trước đại hội theo đề án nhân sự, trong đó, quan tâm cán bộ nữ, trẻ có triển vọng.
Một số nơi đã chủ động xây dựng đề án nhân sự bầu khuyết cấp ủy, uỷ viên Ban Thường vụ để điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ sau đại hội...
Kết quả bầu cử, tổng số cấp uỷ viên khoá mới được bầu là 654 người. Cụ thể, có 437 nhân sự tái cử (67,5%); có 213 nhân sự tham gia lần đầu, đạt 32,5%; có 93 nhân sự thuộc 7 đảng bộ (Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Long, Kon Tum, Gia Lai) là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 14,2%, trong đó, Lạng Sơn đạt 49,1%.
Trong số các nhân sư trúng cử, có 101 cấp ủy viên là nữ (15,4%), trong đó, có 8 đảng bộ (Sơn La, Yên Bái, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang) đạt tỷ lệ trên 15%, riêng Sơn La đạt trên 20%.
Có 46 nhân sự cấp ủy viên dưới 40 tuổi (7,03%), trong đó, Yên Bái, Bắc Ninh, Sơn La, Kon Tum đạt trên 10%. Trình độ của cấp ủy viên đều từ đại học trở lên, trong đó, 386 thạc sỹ (59,02), 53 tiến sỹ (8,1%). Độ tuổi bình quân của cấp ủy là 48,57.
Tổng số ủy viên Ban Thường vụ bầu được là 192 người. Trong đó, số tái cử 132 (68,8%); tham gia lần đầu 60 (31,2 %); cán bộ nữ 27 (14,06%); cán bộ dưới 40 tuổi 3 (1,56%); cán bộ người dân tộc thiểu số 28 (14,58%).
Tổng số Bí thư cấp ủy bầu được là 13 người. Trong đó, số tái cử 10 (chiếm 73%); tham gia lần đầu 3 (23%); cán bộ nữ 4 (30,76%); cán bộ người dân tộc thiểu số 1 (Gia Lai) (7,69%). Có 5 Bí thư Tỉnh uỷ (Quảng Ninh, Sơn La, Yên Bái, Cần Thơ, Gia Lai) trong độ tuổi 45 - 50 tuổi. Có 8 Bí thư không phải người địa phương (61,53%).
Ngoài ra, 14 đại hội đã bầu ra 282 đại biểu chính thức và 23 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó Ban Tổ Chức Trung ương lưu ý vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, một số đảng bộ có tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa đạt yêu cầu của Chỉ thị 35. Còn có trường hợp giới thiệu tái cử Ban Chấp hành nhưng không trúng cử (Vĩnh Long, Cần Thơ, Gia Lai).
Còn có phiếu bầu ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ, bầu đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng không hợp lệ (Lạng Sơn, Kon Tum). Có đại hội kết quả phiếu bầu cử Ban Chấp hành còn phân tán, không tập trung (Gia Lai).
Có nơi bầu hai lần mới đủ số lượng Ban Thường vụ. Có nhân sự trúng cử Ban Thường vụ nhưng không đúng cơ cấu, sau đại hội phải sắp xếp lại (An Giang). Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia Ban Thường vụ đạt thấp. Có 10/13 đảng bộ không có cán bộ trẻ (dưới 40) tham gia Ban Thường vụ. Độ tuổi bình quân Ban Thường vụ một số đảng bộ còn cao.
Địa phương đầu tiên có chỉ số “Hạnh phúc của người dân”
Về thảo luận báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp uỷ, Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; trung bình mỗi đại hội có 15-20 ý kiến; một số đại hội có số lượng tham luận tăng cao so với các nhiệm kỳ trước, gồm cả ý kiến thảo luận tổ.
Không khí thảo luận ở nhiều đại hội sôi nổi, thẳng thắn, tập hợp được trí tuệ, phát huy dân chủ, đoàn kết; tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Nhiều cấp ủy làm tốt công tác hướng dẫn thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Yên Bái là địa phương đầu tiên mạnh dạn đưa chỉ số “Hạnh phúc của người dân” thành một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội. |
Đến ngày 27/9, cả 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã báo cáo, xin ý kiến và được Bộ Chính trị thông qua về các dự thảo văn kiện, báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành và phương án nhân sự đại hội.
Dự thảo báo cáo chính trị được xây dựng công phu, nghiêm túc, bài bản, qua nhiều bước lấy ý kiến; coi trọng việc tổng kết mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả...
Điểm mới của báo cáo chính trị cấp uỷ chuẩn bị trình đại hội nhiệm kỳ này là đã chú trọng hơn công tác xây dựng Đảng; chỉ ra những “điểm nghẽn” để tháo gỡ; phương hướng, nhiệm vụ tránh tình trạng “dàn hàng ngang” như trước đây.
Dự thảo báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục.
Dự thảo nghị quyết đại hội được chuẩn bị chu đáo, một số đảng bộ có tư duy đổi mới trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; đã bổ sung vào nghị quyết một số chỉ tiêu mới so với các nhiệm kỳ trước đây.
Trong đó, Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước mạnh dạn đưa chỉ số “Hạnh phúc của người dân” thành một chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội...
Thu Hằng
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới
Phải có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới với động cơ trong sáng. Tránh tình trạng bảo gì làm đó, ít va chạm, vô thưởng, vô phạt.