Quốc hội vừa thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực 1/1/2022) với nhiều nội dung mới. Để đồng bộ với luật này, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt; trong đó, đề xuất tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm.

Cụ thể, Dự thảo nghị định tăng mức xử phạt từ 3-4 triệu đồng, lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 175 cm3 không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe hết hạn.

Với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc giấy hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên cũng bị xử phạt với mức 10-12 triệu đồng (quy định hiện hành chỉ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng).

Theo Bộ GTVT, việc tăng mức xử phạt trên nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình giấy phép lái xe để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước giấy phép.

Thực tế vừa qua ghi nhận một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe dài, nên có lái xe vi phạm trốn tránh, không xuất trình giấy phép lái xe, khai báo mất để không bị tước…

{keywords}
Hành vi đua xe trái phép cũng được đề xuất tăng mức phạt

Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt đối với người đua xe. Cụ thể, người đua xe máy sẽ bị xử phạt từ 10-15 triệu đồng thay vì mức 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành. Trường hợp đua ô tô, mức xử phạt tăng từ 8-10 triệu lên 20-25 triệu đồng.

Bộ GTVT cho biết, thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước xảy ra tình trạng sử dụng ô tô, xe máy để đua xe trái phép gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, vì vậy cần tăng mức xử phạt để răn đe, phòng ngừa.

Hành vi người điều khiển ô tô che biển số xe cũng được Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, lên mức 4-6 triệu đồng. Lý do tăng mức phạt được Bộ GTVT lý giả là vì gần đây có nhiều trường hợp cố tình che biển số xe để gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính thông qua camera.

Cũng theo Bộ GTVT, nghị định lần này tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiện và lái xe có hành vi chở hàng quá tải. Theo đó, dự thảo nghị định gom lại từ năm mức xử phạt thành ba mức gồm quá tải là 10-20%, từ 20-100%, trên 100% và tăng mức xử phạt cao đối với mức hai trở lên.

Bộ GTVT giải thích, xe chở quá tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vì vậy cần phải xử phạt nặng để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe; sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép…

{keywords}
Nhiều xe che biển số chạy quá tốc độ trên cao tốc 

"Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi nêu trên đều nhằm mục đích bảo đảm tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với tính chất mức độ vi phạm cố tình, hậu quả xảy ra nghiêm trọng, nhưng hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này còn thấp", Bộ GTVT cho hay.

Chủ tịch tỉnh được phạt cao nhất 75 triệu đồng

Cùng với tăng mức phạt các hành vi vi phạm, Bộ GTVT đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.

Trong đó, trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên tới 2,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện được phạt tiền lên đến 15 triệu đồng. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt tiền lên đến 37,5 triệu đồng...

Cục trưởng Cục CSGT, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Chánh Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam… có quyền Phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Chủ tịch UBND các cấp cũng được quy định mức phạt cụ thể. Theo đó chủ tịch xã được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt 5.000.000 đồng, chủ tịch UBND cấp huyện được phạt tiền 37,5 triệu đồng, chủ tịch UBND tỉnh được phạt tiền 75 triệu đồng. 

Hàng loạt xe lợi dụng luồng xanh dừng đỗ giao hàng bị xử phạt

Hàng loạt xe lợi dụng luồng xanh dừng đỗ giao hàng bị xử phạt

Thanh tra giao thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm 10 xe chở hàng được cấp mã luồng xanh cố tình dừng đỗ giao hàng trái quy định.

 
Vũ Điệp