Chính quyền TP.HCM xác định từ 16-30/9 là giai đoạn thử nghiệm, được thực hiện ở quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ, những nơi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 theo tiêu chí của ngành y tế. 

Từ hôm nay (16/9), những nơi này được TP giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch trở lại bình thường mới.

Thông tin tại buổi họp báo tối 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết, các địa bàn này sẽ thí điểm người dân đi chợ một lần mỗi tuần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất được hoạt động theo kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ tiêu chí an toàn phòng dịch.

Ông Bình cho biết, 3 địa bàn và 2 đơn vị là BQL các khu chế xuất và công nghiệp và BQL Khu công nghệ cao thí điểm 2 tuần "thẻ xanh Covid" gắn với mã QR cá nhân, cùng với thực hiện 5K và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ cho người dân.

Sở TT&TT sẽ làm phần app dữ liệu để tích hợp công nghệ thực hiện việc này, tránh việc người dân xuất trình nhiều giấy tờ. Sau thời gian thí điểm, thành phố sẽ xem xét áp dụng cho các địa phương khác.

Quận 7 thử nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh

Quận 7 sẽ cấp cho 150 doanh nghiệp và hộ kinh doanh mà UBND quận cho phép mở cửa hoạt động. Các địa phương khác cũng thực hiện nguyên tắc, mở cửa hoạt động lĩnh vực nào, cấp thẻ xanh cho lĩnh vực đó.

Cụ thể, quận lập danh sách 100 hộ kinh doanh đường phố (mỗi phường 10 hộ) với quy mô tương đối lớn, an toàn, có cam kết đồng ý kinh doanh trở lại và 50 doanh nghiệp (mỗi phường 5 doanh nghiệp).

Những hộ kinh doanh tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi; siêu thị, cửa hàng tiện lợi; nhà thuốc; cửa hàng xăng dầu, gas…

Điều kiện kinh doanh là người lao động và hộ kinh doanh phải sinh sống tại quận 7, nằm trong vùng xanh. Người lao động được tiêm 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi trong vòng 6 tháng; xét nghiệm âm tính 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc gộp 3.

{keywords}
Quận 7 ngày đầu thí điểm mở cửa hoạt động, hàng quán rộn ràng bán hàng. Ảnh: Tuấn Kiệt

Thời gian hoạt động của những nơi này là từ 6 - 18h hoặc 6 - 21h (tùy nhóm kinh doanh). Đồng thời,  phải hoạt động "3 tại chỗ" hoặc theo hướng dẫn của UBND TP. Hộ có từ 5 lao động phải lập tổ tự quản về y tế hoặc tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19. Địa phương khuyến khích gắn bảng "Hộ kinh doanh xanh".

Để hỗ trợ, quận tiêm ngừa 2 mũi vắc xin cho người tham gia dịch vụ; hỗ trợ bộ xét nghiệm nhanh 5 ngày/lần trong 15 ngày thí điểm. Quận cũng vay vốn cho hộ kinh doanh, vận động giảm giá cho thuê mặt bằng, hỗ trợ gói an sinh cho người lao động khó khăn, hỗ trợ thủ tục hành chính...

5 đối tượng được mua hàng là: shipper; lực lượng tham gia chống dịch; đại diện đơn vị được hoạt động sản xuất kinh doanh; lực lượng đi chợ hộ; và đại diện hộ dân vùng xanh được mua hàng theo phiếu.

Tất cả xe vận chuyển hàng hóa, cửa hàng phải có nhật ký hành trình di chuyển để lực lượng chức năng kiểm tra khi cần.

Khi bắt đầu mở cửa, người dân ở quận 7 có thẻ xanh được đi lại ở những “vùng xanh” trên địa bàn quận. Địa phương đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có “thẻ xanh” không được đi đến “vùng đỏ” hoặc ngược lại.

Cần Giờ thí điểm du lịch, nuôi trồng thủy hải sản

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho biết, huyện sẽ khoá chặt bên ngoài, từng bước nới lỏng bên trong, an toàn tới đâu nới lỏng tới đó. Ngoài quy định chung cho các quận, huyện thí điểm trên, huyện sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ, gần bờ và hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản.

Bên cạnh đó, huyện rà soát các công trình tạm dừng như các công trình cấp bách trọng điểm, công trình riêng lẻ xây dựng dở dang… để trình UBND TP cho xây dựng tiếp. Người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin, được đi lại, làm shipper.

Riêng về việc mở lại các tuyến du lịch, ông Hồng thông tin, Cần Giờ cho mở lại các tuyến du lịch khép kín tới di tích lịch sử như Chiến khu Rừng Sác, khu du lịch Phương Nam, đảo khỉ… Các điểm du lịch này cách xa khu dân cư, đảm bảo tiêu chí an toàn.

{keywords}
Cần Giờ thí điểm mở du lịch trở lại và cho ngư dân nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trương Thanh Tùng

 

Trước đó, tại buổi làm việc với Bí thư TP Nguyễn Văn Nên ngày 12/9, Bí thư Cần Giờ Lê Minh Dũng cũng cho biết, huyện đã có kế hoạch xây dựng tour du lịch khép kín, cung đường khép kín, du khách không được đi ngang đi dọc mà chỉ ở trong khu vực nhất định. “Dự kiến đến 30/9 có thể mở tour du lịch thí điểm đầu tiên”, ông Dũng nói.

Với khẳng định này, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, tour du lịch đầu tiên TP sẽ ưu tiên lực lượng tuyến đầu sau nhiều tháng căng mình chống dịch đi nghỉ ngơi, việc này nhằm giúp tái tạo sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu.

Củ Chi: Lộ trình các bước chuyển trạng thái

Huyện xác định mục tiêu “mở tới đâu chắc tới đó”, không nóng vội, không mở đại trà, chỗ nào chưa đảm bảo an toàn thì tuyệt đối không mở.

Từ 15/9 đến 31/12 (trong đó từ 15/9 đến 15/10 là giai đoạn vừa tổ chức thực hiện, vừa đánh giá, phân tích để kịp thời điều chỉnh, bổ sung (nếu có) các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng xã, thị trấn).

Từ sau ngày 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện thực hiện đánh giá lại mức nguy cơ của từng xã, thị trấn làm cơ sở áp dụng các biện pháp theo 4 cấp độ.

Dự kiến mở cửa trở lại theo 4 bước. Bước một là những xã còn đỏ, cam, vàng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16; còn xã, thị trấn vùng xanh, cận xanh sẽ giảm xuống Chỉ thị 15.

Bước 2, sau 15 ngày, huyện sẽ thẩm định lại các xã, thị trấn thực hiện tốt Chỉ thị 15 và vẫn giữ được vùng xanh, kiểm soát được dịch sẽ hạ xuống Chỉ thị 19.

Bước 3 và bước 4, cứ sau 2 tuần, huyện sẽ hạ dần mức giãn cách cho đến giai đoạn bình thường mới. Việc đi từng bước là để người dân thích nghi trên cơ sở tuân thủ hương ước, quy ước với các quy định về 5K, 5T.

Ví dụ, ở các xã nông nghiệp thì nông dân, cửa hàng bán thức ăn gia súc, phân bón được hoạt động lại đầu tiên. Xã có công ty, xí nghiệp nhiều thì ưu tiên mở cửa doanh nghiệp, đảm bảo công nhân có thẻ xanh Covid-19, doanh nghiệp xanh, làm việc trên cung đường xanh.

Về kinh tế du lịch, Củ Chi đã xây dựng dự thảo kế hoạch xây dựng tour một ngày tại địa đạo Bến Dược, làm "món ăn tinh thần" cho người dân thành phố.

Huyện dự kiến hình thành tour khép kín. Công ty đến đón khách và đảm bảo xét nghiệm âm tính trước khi lên xe. Sau khi tham quan, khách sẽ ăn trưa dã chiến (mỗi người một mẹt thức ăn) các món đặc sản của Củ Chi rồi nghỉ trưa. Tiếp đó, du khách sẽ được tới thăm chợ dã chiến trong mùa dịch.

Hồ Văn - Thu Anh

TP.HCM thí điểm mở cửa, không phải ai cũng được cấp thẻ xanh

TP.HCM thí điểm mở cửa, không phải ai cũng được cấp thẻ xanh

TP.HCM thí điểm cấp thẻ xanh nhưng không phải ai cũng được cấp, mà có tiêu chí, nhóm đối tượng và do địa phương quyết định trên cơ sở phối hợp với nhiều bên.