Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, vị trí tâm bão lúc 22h tối nay (27/20): Khoảng 13,8oN; 111,8oE, cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360km, cách Phú Yên 286km.

{keywords}
Dự báo hướng đi của bão số 9. Ảnh: Tổng Cục Phòng chống thiên tai

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 19h ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.  

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

"Thời gian vàng" để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Tại cuộc họp gấp của Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại TP Đà Nẵng tối nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá các địa phương đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn và phải khắc phục ngay trong công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ngư dân trên biển.

{keywords}
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gọi điện thoại cho lãnh đạo một số tỉnh miền Trung, yêu cầu chuẩn bị mọi biện pháp phòng, chống bão. Ảnh: Nhật Bắc

Các địa phương, nhất là những tỉnh Nam Trung Bộ, phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, hỗ trợ kịp thời những tàu, thuyền gặp khó khăn, sự cố khi bão số 9 đang đến gần, không được bỏ sót những hộ nuôi trồng thủy hải sản trên biển.

Đối với tàu thuyền di chuyển vào nơi tránh trú, phải hết sức lưu ý bảo đảm an toàn neo đậu, chống va đập nếu không nguy cơ đắm thuyền lại khu vực neo đậu là rất lớn, vì bão số 9 mạnh và rất nguy hiểm.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương  hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, trạm y tế, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,… thậm chí phải cao hơn một mức so với cảnh báo.

“Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đây là thời gian vàng để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng chống bão, có như vậy mới bảo vệ được người dân", Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo một số tỉnh miền Trung, yêu cầu chuẩn bị mọi biện pháp phòng, chống bão, với tinh thần "đêm nay chúng ta phải thức cả đêm”.

Bão số 9 giật cấp 17 áp sát, tàu cá bị đánh chìm, 12 ngư dân mất tích

Bão số 9 giật cấp 17 áp sát, tàu cá bị đánh chìm, 12 ngư dân mất tích

17h chiều nay (27/10), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đã có báo cáo về công tác ứng phó với bão số 9.

Hương Quỳnh