Phân tích về bão số 9 (Molave), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho hay, bão Molave mạnh lên thành bão và đổ bộ vào miền Trung Philippines trong ngày 25/10.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm |
8h sáng 26/10, bão di chuyển vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9. Tổ chức mây ngay tại thời điểm vào Biển Đông khá tốt, cường độ cấp 12. Sau đó tăng dần cường độ tới sáng 27/10 cấp 14.
Hướng di chuyển ổn định. Chủ yếu là theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Tốc độ di chuyển khoảng 25km/h.
Cường độ bão có nhiều yếu tố chi phối như: Gió đông bắc mạnh; Gió mùa Tây Nam cường độ trung bình; Nhiệt độ mặt nước biển cao ~29 độ C; Độ ẩm tốt, đối lưu phát triển mạnh; Hội tụ tầng thấp rất mạnh, phân kỳ trên cao mạnh và lệch tây.
Ngoài ra, các điều kiện khác như độ đứt gió trung bình, vùng biển thoáng; Cấu trúc mây bão khá đối xứng, các ổ mây đối lưu gần tâm bão.
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định, cường độ cực đại của bão là cấp 14 vào lúc 19h ngày 27/10. Trong đất liền và ven biển, bão có thể gây gió mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Theo ông Lâm, các dự báo về quỹ đạo của các mô hình và các trung tâm dự báo quốc tế đều thống nhất, bão hướng về khu vực Quảng Ngãi – Bình Định.
Các chiến sĩ công an, bộ đội ở Quảng Nam chặt cây cối giúp người dân phòng chống bão |
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.
Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Bão sẽ di chuyển trên khu vực thuận lợi cho việc tăng cường độ trong 6-12h tới, có khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối nay. Khi vào gần bờ, vùng biển này lạnh hơn, ma sát với đất liền bão sẽ suy yếu.
Ông Lâm cho hay, nếu giữ nguyên cấp 12 khi vào đất liền, bão số 9 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp, các nhà cấp 4 có thể không thể chịu đựng được trước sức gió.
Theo thống kê nhanh, nếu cơn bão số 9 gây ra gió mạnh trong đất liền với cường độ từ cấp 12 trở lên thì đây sẽ là một trong những cơn bão ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Một số cơn bão mạnh tương đương với bão số 9 như: Bão số 6 -Xangsane năm 2006, bão số 5 – Lekima năm 2007, bão số 8 - Son Tinh năm 2012, bão số 1 - Marinae năm 2016, bão số 10- Doksuri năm 2017, bão số 12 - Damrey năm 2017.
Bão số 9 có thể giật cấp 15 khi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Hương Quỳnh