Chiều nay (8/7), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT.
Mở đầu cuộc làm việc, ông Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 5 năm tới, TP phải phủ kín quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có quy hoạch sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy. Từ đó, định hướng sử dụng được nguồn tài nguyên đất các bãi ven sông.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ |
Theo ông Huệ, muốn quy hoạch được 2 bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất, là vấn đề sống còn.
"Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu bè nhìn qua, thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì Thủ đô làm sao phát triển được?
Bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau 5 năm lại 'xoá' làm lại thì ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ?
Tôi đi các huyện Đan Phượng, Hoài Đức thì thấy đất ngoài bãi sông Hồng mênh mông nhưng không kêu được các nhà khoa học vào, tất cả đều phải đợi quy hoạch hết.
Ngay khu vực bãi giữa sông Hồng - khu vực quận Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, tất cả án binh bất động. Chỗ này đề nghị Bộ nghiên cứu giúp cho TP", ông Huệ nêu ý kiến.
Bí thư Hà Nội cho hay, thực tế cách đây 3 năm TP đã bỏ lỡ việc phê duyệt quy hoạch này khi thẩm quyền còn thuộc HĐND TP.
Sớm có quy hoạch thoát lũ sông Hồng
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, trước đây Hà Nội làm quy hoạch, đã có tư vấn của Viện Quy hoạch Thủy lợi, thống nhất phương án quy hoạch đê kết hợp với đường. Mô hình này được tham khảo từ một số thành phố trên thế giới, rất thuận tiện.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
“Làm hai bậc. Nước dâng đến bậc thứ nhất thì có thể nâng lên đường thứ 2”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, kết hợp với 3 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy, tạo ra con đường ngoài đê. Những khu vực hẹp và cao như đoạn qua Cảng Hà Nội có thể làm cầu vượt dọc theo taluy như sông Hàn của Hàn Quốc.
“Làm con đường song song chạy từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hai bên bờ sông. Thống nhất cao độ là 13,2m, đảm bảo thoát lũ tần suất 500 năm”, ông Chung chia sẻ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, các tuyến đê của TP có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng còn rất nhiều công trình xung yếu.
Với đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải đảm bảo trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng 500 năm mới có một lần.
Ông Hoài bày tỏ mong muốn sớm có quy hoạch thoát lũ sông Hồng.
“Mỗi lần kiểm tra khu vực bãi sông Hồng, bản thân tôi thấy không thể để tồn tại mãi tình trạng như vậy. Nhưng để có quy hoạch, thì phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô”, ông Hoài nói.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2016 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Ông Cường cũng nêu thách thức lớn hiện nay chính là vấn đề biến đổi khí hậu, mức độ cực đoan của thời tiết khó lường.
"Lâu nay chưa bao giờ 2/3 số tỉnh ở Trung Quốc mưa bất khả kháng suốt một tháng như bây giờ, Nhật Bản gần đây cũng mưa như thế, Ấn Độ cũng có những khu vực mưa tới 2.400 mm/2 ngày. Vì vậy quyết định 257 ra đời nhằm bảo vệ hạ du, đặc biệt là thủ đô Hà Nội của chúng ta với hai chỉ tiêu chính.
Thứ nhất, cố gắng làm sao đưa cốt đê 13,4m để bảo vệ an toàn gần như tuyệt đối cho toàn bộ diện tích lõi nội đô của TP. Thứ hai, đảm bảo mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000m3/s, đây là hai nguyên tắc", ông Cường nói.
Ông cho hay, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học, kể cả Viện khoa học thuỷ lợi, các viện nghiên cứu tập trung cùng TP tổng rà soát lại, nhưng vẫn phải đảm bảo hai nguyên tắc là cốt đê cao 13,4m, và mức thoát lũ ở tiết diện trung bình của sông Hồng đoạn Hà Nội là 20.000m3/s không ảnh hưởng.
Thiết kế cầu Vĩnh Tuy mới 2.500 tỷ bắc qua sông Hồng
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có mức đầu tư 2.500 tỷ đồng sẽ được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, ngay bên cạnh cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1.
Hương Quỳnh