Sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 10 bộ, ngành để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.

Mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tháng 11 này sẽ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia. Tinh thần là không cầu toàn mà chọn một số dịch vụ làm trước như cấp đổi bằng lái xe và một số dịch vụ mà người dân và DN cần nhất.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng truyền đạt lại ý Thủ tướng muốn gửi gắm 10 bộ ngành TƯ phải là hình mẫu, nêu gương trong thực hiện Chính phủ điện tử để tạo áp lực với cấp dưới.

“Nếu chúng ta vẫn làm như cũ thì không được”, ông cho biết, hiện VPCP đã đi đầu trong văn phòng không giấy tờ, áp dụng chữ ký số.

"Cán bộ nào mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về. Tôi cũng dặn thư ký là không nhận hồ sơ giấy, trừ các văn bản mật", Chủ nhiệm VPCP thông tin.

Là một trong những bộ đi đầu trong chữ ký số, đại diện Bộ TN&MT cho biết, bộ đã cấp 2.500 chữ ký số, trong đó hơn 200 cho tổ chức và hơn 2.000 cá nhân. Từ công chức, viên chức người nào cần chữ ký số đều có, ký từ dưới lên trên.

Vị này cho biết, 100% các văn bản trong bộ dùng chữ ký số. "Các quyết định bổ nhiệm cán bộ như bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn mới đây đều dùng chữ ký số, hồ sơ cán bộ đều chữ ký số hết, chỉ một số văn bản không đáng kể dùng chữ ký tươi", ông thông tin.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Bộ TN&MT là bộ đứng đầu về số lượng văn bản dùng chữ ký số. Cụ thể có 338/411 văn bản của bộ ký chữ ký số, đạt trên 81%. 

Bộ TT&TT cũng là một trong các bộ được Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá cao với 56% văn bản sử dụng chữ ký số.

Ông Hồ Sỹ Lợi, Phó GĐ trung tâm Thông tin của Bộ TT&TT cho biết, hiện nay trong bộ hoàn toàn áp dụng chữ ký số đối với các đơn vị thuộc bộ. Tất cả văn bản các đơn vị gửi cho nhau đều có chữ ký số và không sử dụng văn bản giấy, trừ trường hợp giấy phép hoặc liên quan đến tính pháp lý lâu dài như khen thưởng hoặc bổ nhiệm thì phải sử dụng bản giấy song song.

Theo ông Lợi, hiện việc dùng chữ ký số đang vướng quy định với những trường hợp gửi dự thảo văn bản ra bên ngoài. Vì vậy vẫn phải ký tươi, sau đó văn thư bộ sẽ chuyển sang bản scan ký số.

“Trong quy định văn thư lưu trữ có nói, lưu tại văn thư bản gốc có chữ ký trực tiếp, trong khi đó chưa có giải thích chữ ký số có được coi là ký trực tiếp hay không”, ông Lợi nêu.

Bộ Nội vụ không cải cách bằng người ta thì hướng dẫn được ai?

Giải đáp về việc này, ộng Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng không nên quan niệm ký trực tiếp là ký trên giấy, thực tế hành vi ký số là ký trực tiếp bằng cách ấn nút trên hệ thống.

Về việc tại sao thông tư của Bộ Nội vụ quy định phải lưu trữ bằng văn bản giấy trong khi đã có văn bản điện tử lưu trên hệ thống, ông Tùng cho biết, vì đề án tài liệu điện tử chưa được thông qua nên chưa đảm bảo 100% tài liệu trên hệ thống không vì một lý do nào đó biến mất hoặc bị sửa đổi. Cho nên việc sau khi ký số in ra 1 bản để lưu ở cơ quan được coi như là biện pháp “bảo hiểm”.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chánh văn phòng Bộ Nội vụ nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chữ ký số tại bộ như văn bản đến còn chậm do yếu tố kỹ thuật. Hay như việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 có nhiều nội dung liên quan đến mức độ mật nên chưa triển khai được…

{keywords}
Ảnh: Nhật Bắc

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hỏi về việc xử lý hồ sơ trên nền điện tử như thế nào? Ông Thủy cho biết đã triển khai được 3 cấp độ từ cấp phòng, vụ đến lãnh đạo bộ. Hiện bộ đã cấp chứng thư số nhưng triển khai liên quan hạ tầng nên mới có một số đơn vị triển khai như văn phòng bộ 100% văn bản ký từ chuyên viên đến phòng, chánh văn phòng.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm VPCP cho rằng, quan trọng là lãnh đạo bộ đã ký số chưa. Phó chánh văn phòng Bộ Nội vụ trả lời ấp úng "gần đây nhất đã có lãnh đạo ký văn bản bằng chữ ký số".

Nghe vậy Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn ngay số liệu của Bộ Nội vụ chỉ có 39 văn bản ký số, chiếm 10,57% là rất thấp so với các bộ. “Tất cả danh mục chúng tôi có hết, nói có sách mách có chứng chứ không nói chơi. Đây là những con số biết nói”.

Ông cũng lưu ý các quy định liên quan đến lưu trữ văn bản nếu không phù hợp thì phải sửa: “Chúng ta ban hành văn bản chữ ký số mà lại bắt thực hiện theo văn bản chữ ký tươi là không được. Ngay cả vấn đề khen thưởng, bổ nhiệm là chữ ký số hết, trừ trường hợp liên quan đến những gì cơ mật”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cải cách hành chính mà "không cải cách bằng người ta thì hướng dẫn được ai, không thể nói được ai”.

Bộ trưởng cho rằng, đừng đặt vấn đề do hạ tầng hay yếu tố khác, mà chỉ do yếu tố con người. “Thay  con người là thay được tất”, ông nói.

Lần đầu tiên Thủ tướng dùng chữ ký số ban hành Quyết định

Lần đầu tiên Thủ tướng dùng chữ ký số ban hành Quyết định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định phê duyệt đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia bằng chữ ký số.

Thu Hằng