Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cùng với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp hai Đề án mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của TP.
Sớm trình Quốc hội 2 đề án lớn của TP.HCM
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trên cơ sở các quy định hiện hành, Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM trong giai đoạn mới, TP.HCM đã xây dựng 2 đề án. Đó là: Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường (tên cũ là Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM); đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 (trong đó lồng ghép Đề án thành lập TP.Thủ Đức).
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị |
Hai Đề án này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ ngành Trung ương cơ bản ủng hộ tại phiên họp ngày 11/9.
Theo ông Phong, mục đích của hai Đề án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP.HCM trên mọi mặt; phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân; đồng thời đạt được mục đích tinh gọn bộ máy như chủ trương của Trung ương.
Tại Hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu, TP sẽ hoàn chỉnh các Đề án theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết trong Đề án có thể có điểm vướng, điểm chưa rõ… nhưng các nội dung mới trong Đề án là cơ bản thống nhất. Cần luận giải chi tiết hơn khi trình ra các cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở các góp ý, thảo luận TP.HCM và Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ xem xét.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định để TP.HCM triển khai thực hiện các Đề án, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu là 11/7/2021 phải bắt tay thực hiện. Vì thế, thời gian từ đây đến thời điểm đó sẽ có rất nhiều việc cho cả TP và các bộ, ngành Trung ương.
Băn khoăn việc tổ chức HĐND TP.Thủ Đức
Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, trong Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có lồng ghép nội dung thành lập TP.Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn băn khoăn về mô hình tổ chức HĐND TP.Thủ Đức |
Bản chất việc này cũng là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị là quận 2, quận 9 và Thủ Đức, tổ chức lại thành thành phố.
Bản chất của TP.Thủ Đức cũng chỉ ngang cấp huyện, có điều quy mô và mức độ đô thị cao hơn các quận và thị xã. Do đó, nếu TP.HCM giữ quan điểm tổ chức HĐND TP.HCM thì sẽ có độ vênh với “Đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường”.
“Vấn đề này cần nghiên cứu, luận giải làm sao để khi đưa vào thực hiện đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau”, ông Trần Anh Tuấn băn khoăn.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.Thủ Đức sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa.
Đồng thời, đây còn là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP. HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Dự kiến, sau khi thành lập TP.Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
“TP.HCM mong các bộ, ngành Trung ương chỉ ra con đường đi tốt nhất và ngắn nhất để thực hiện các Đề án gắn với các giải pháp mang tính căn cơ để TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cả nước”, ông Phong đề nghị.
Trung ương góp ý đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM
Lần đầu tiên, lãnh đạo TP.HCM làm việc trực tiếp tại Bộ Nội vụ với sự tham dự của nhiều cơ quan Trung ương để góp ý vào đề án chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức.
Hồ Văn