Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu vừa ký ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

{keywords}
Người phụ nữ buôn bán đồ ăn trên chợ nổi Cái Răng lau dọn vật dụng trên ghe do để quá lâu. Ảnh: D.T

Theo đó, những trường hợp được hỗ trợ gồm người bán vé số dạo, bốc vác, thu mua phế liệu, vận chuyển hàng hóa, xe ôm truyền thống, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ; bán hàng tự sản, tự tiêu ở chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ nổi, rửa xe, sửa xe, sửa chữa đồ gia dụng.

Chính sách hỗ trợ còn dành cho người lao động làm việc thời vụ; người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, dịch vụ.

Ngoài ra, những người làm các công việc khác phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

TP Cần Thơ quy định tiêu chí để được hỗ trợ gồm là người lao động tự do, không thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động, không thuộc hộ kinh doanh có đăng ký mã số thuế, cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố trước khi bị ngừng việc hoặc mất việc…

Người lao động cùng lúc làm nhiều loại công việc như nói trên chỉ được hỗ trợ một loại. Người đã được hỗ trợ theo các chính sách khác quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ thì không được hỗ trợ, trừ trường hợp quy định tại điểm 8, mục II của Nghị quyết 68.

Theo đó, mức hỗ trợ đối với những trường hợp nói trên là 2 triệu đồng/người; chi trả một lần. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vận động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện hỗ trợ trong năm 2021.

Hoài Thanh 

Nhiều tỉnh miền Tây kêu gọi, hỗ trợ lương thực cho người dân ở lại TP.HCM

Nhiều tỉnh miền Tây kêu gọi, hỗ trợ lương thực cho người dân ở lại TP.HCM

Nhiều tỉnh miền Tây đã ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm và kêu gọi cùng hỗ trợ người dân đang ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...