- Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) diễn ra sáng nay tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Tới dự buổi lễ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải...
Lãnh đạo và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm |
9h30: Lễ kỷ niệm bắt đầu với chương trình nghệ thuật. Các tiết mục tái hiện lại hình ảnh Hà Nội 70 năm trước, nơi vang lên những tiếng súng đầu tiên kháng Pháp.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện đầy hào hùng.
10h: Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu làm lễ chào cờ.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu làm lễ chào cờ |
10h10: Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải |
“Trong thời khắc thiêng liêng và xúc động này, với niềm biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta.
Chúng ta mãi mãi tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN” -Bí thư Hoàng Trung Hải phát biểu.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khái quát lại lịch sử. Cách đây 70 năm, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Được sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ.
Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20h03 ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Các cựu chiến binh dự lễ kỷ niệm |
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến; tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã lập nên bao kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
“Khi non sông thống nhất, Tổ quốc liền một dải, đất nước ta lại nỗ lực bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển. Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực sau 70 năm toàn quốc kháng chiến, nhất là trong 30 năm đổi mới, đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Ông cũng khẳng định, tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay
“Trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam là: phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
10h30: Là một trong những chiến sĩ tham gia kháng chiến từ những ngày đầu, trốn gia đình để ở lại Hà Nội chiến đấu, Đại tá Nguyễn Huy Du, 86 tuổi, nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không khỏi xúc động khi kể lại những giờ phút lịch sử của quân dân thủ đô và cả dân tộc.
Đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên cán bộ Cục Khoa học quân sự, Bộ Tổng Tham mưu, cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô
|
Đại tá Du nhớ như in thời khắc 20h03 ngày 19/12/1946, đèn đêm phụt tắt, những quả đại bác đầu tiên ở pháo đài Láng, Xuân Tảo Xuân Canh.. nã vào thành Hà Nội.
“Chúng tôi phải xông ngay ra đường ngả cây, ngả cột đèn, rải mìn, rải chướng ngại vật ở phố hàng Da, phố Đường Thành để chặn địch tấn công”, ông nhớ lại.
Ông cho biết, 60 ngày đêm chiến đấu, lăn lộn, quần nhau với địch trong những căn nhà đổ nát, những khu phố bị bắn phá tan hoang, cuộc sống trong các chiến hào đầy gian khổ thiếu thông…, nhưng với tinh thần chiến đấu đầy quả cảm, không sợ hy sinh, lại được thư động viên của Bác Hồ và các lãnh đạo, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ.
“Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm, tôi không thể nào quên mùa Đông năm 46, mùa Đông rét mướt, ác nghiệt, mùa Đông có nhiều thử thách hiểm nghèo như trong thế ngàn cân treo sợi tóc, buộc quân và dân ta phải cầm súng bảo vệ chính quyền vừa mới giành được. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước”, Đại tá Du chia sẻ.
Ông tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống chiến đấu vẻ vang của các thế hệ đi trước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
10h40: Đại diện cho thế hệ trẻ, PGS.TS Trần Xuân Bách, 32 tuổi, giảng viên ĐH Y Hà Nội bày tỏ sự xúc động khi nhớ về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô dù chỉ diễn ra 60 ngày đêm nhưng có ý nghĩa trọng đại.
PGS.TS Trần Xuân Bách, giảng viên ĐH Y Hà Nội |
“Chúng tôi cảm nhận rằng huyền thoại không chỉ đọng lại với người Hà Nội mà mãi là niềm tự hào, là biểu hiện sáng ngời, kết tinh thành giá trị vô giá cho hôm nay”, PGS Bách nói.
Ông chia sẻ may mắn được sinh ra trong thời bình, được tạo điều kiện để đi học tại những nước tiên tiến. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông đã về nước làm việc, cống hiến cho quê hương.
Theo PGS Bách, kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến chính là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha ông, trân trọng và biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cùng lớp lớp thế hệ cha anh và cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam anh hùng các gia đình có công với cách mạng.
“Điều đó không chỉ tiếp thêm tinh thần, ý chí, sức chiến đấu, lao động, học tập cho mỗi người mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đồng thời nhắc nhở, thôi thúc tuổi trẻ chúng tôi nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, PGS Bách nhấn mạnh.
Thúy Hạnh - Lê Anh Dũng