Đây là chia sẻ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi trao đổi với phóng viên trước thềm khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Phạm Hải |
Nhân dân tin tưởng, gắn bó với Đảng hơn
Thưa ông, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội. Trên cương vị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông có thể cho biết những cảm nhận của mình về dấu ấn của nhiệm kỳ qua?
Đại hội Đảng toàn quốc là sự kiện trọng đại nhất trong đời sống chính trị của đất nước. Mỗi kỳ đại hội đều có những dấu ấn khó quên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 5 năm qua là quãng thời gian đất nước ta, nhân dân ta đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào. Đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, mọi người - cả chúng ta và bạn bè quốc tế - đều cảm nhận sâu sắc về dấu ấn của những thành tựu hết sức nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII, giai đoạn 2016-2020.
Trong 5 năm qua, kinh tế đất nước ta tiếp tục tăng trưởng tốt, kể cả năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Riêng năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất, thiên tai, dịch bệnh nặng nề nhất, nhưng dấu ấn của những thành tựu lại càng rõ nét.
Việt Nam là một trong những nước rất hiếm hoi thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa chống được dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế và đạt được mức tăng trưởng dương. Tuy thấp hơn nhiều năm trước, GDP năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng thấp nhất trong các năm của giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam.
Thành tựu ấy là tiền đề, đồng thời cũng là kết quả bảo đảm cho đất nước chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định chính trị-xã hội để đi tiếp trên chặng đường mới.
Tôi muốn nhấn mạnh hai từ "tiếp tục". Nghĩa là, dù trong thiên tai, dịch bệnh, những khó khăn, tác động bất lợi bên trong, bên ngoài, môi trường chính trị-xã hội của Việt Nam vẫn luôn ổn định. Có được những thành tựu này không hề dễ dàng!
Tiếp nữa là quốc phòng, an ninh, đối ngoại - những lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trong nhiệm kỳ vừa qua đều có những thành tựu, những sự kiện gây được tiếng vang tốt. Chúng ta đã xử lý rất thành công những khó khăn, thách thức đặt ra trong 5 năm qua, những vấn đề liên quan đến độc lập, chủ quyền quốc gia, những vấn đề trên Biển Đông và trong lĩnh vực giao thương quốc tế.
Nói đến những dấu ấn của nhiệm kỳ 2016-2020, chúng ta không thể không nhắc tới những kết quả mà chưa có nhiệm kỳ nào làm mạnh mẽ, quyết liệt như nhiệm kỳ vừa qua. Đó là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý những vụ việc, những tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; kể cả những cán bộ, đảng viên giữ những cương vị cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Với những thành tựu ấy, hình ảnh và vị thế của đất nước Việt Nam được cộng đồng quốc tế tôn trọng, đánh giá cao. Chúng ta đã nhận được không ít lời khen chân thành của bạn bè trên thế giới, và quan trọng hơn cả, nhân dân ta tin tưởng, gắn bó với Đảng hơn.
Dĩ nhiên, khi nhấn mạnh những điều đó, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhắc nhở, chúng ta không bao giờ cho phép mình chủ quan, thỏa mãn. So với khả năng, tiềm năng, tiềm lực của đất nước và mong đợi của nhân dân ta, thì dù những thành tựu vừa qua là to lớn, rất đáng mừng, nhưng đất nước vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Và trong quá trình phát triển, vẫn còn không ít vấn đề, mục tiêu chúng ta chưa đạt được.
Thưa ông, vậy những khó khăn, thách thức nào đang tiếp tục đặt ra đối với đất nước ta?
Khó khăn và thách thức mà ai cũng có thể nhận thấy, là dù chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, ấn tượng như vậy trong nhiệm kỳ qua và cả chặng đường hơn 30 năm đổi mới, nhưng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà chúng ta đề ra vẫn chưa đạt được.
Trình độ, năng lực nền kinh tế của đất nước có nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn chưa bước vào ngưỡng cửa của đất nước công nghiệp phát triển.
Và còn những khó khăn, thách thức không hề nhỏ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, việc làm, đời sống... hoặc là vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm giải pháp, trong xử lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần và bảo đảm công bằng xã hội; vấn đề chênh lệch giàu nghèo; tiêu cực xã hội, tham ô, tham nhũng, lãng phí; chậm khắc phục được những tiêu cực đã tồn tại, kéo dài nhiều năm...
Có những vấn đề chúng ta đã rất nỗ lực đấu tranh khắc phục. Nhiều biện pháp quyết liệt chúng ta đã và đang áp dụng. Nhưng để giải quyết tận gốc những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, chúng ta cần những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, đồng bộ hơn nữa.
Nêu gương không chỉ là ‘nên làm’, mà là ‘phải làm’, ‘tự giác làm’
Ông kỳ vọng như thế nào vào Đại hội XIII sắp tới? Là thế hệ cán bộ lãnh đạo đi trước, ông có điều gì tâm huyết muốn gửi gắm đến Đại hội?
Mong ước lớn lao của nhân dân ta, trong đó có tôi, là đất nước giữ vững được hoà bình, ổn định, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục phát triển trên con đường đổi mới.
Một mong ước lớn lao nữa của mọi người là Đại hội sẽ sáng suốt bầu chọn được những người tiêu biểu nhất, có đủ tài đức để lãnh đạo đất nước, xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của nhân dân.
Trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại thì vai trò nêu gương của các lãnh đạo là vô cùng cần thiết. Theo ông, vấn đề này có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi việc, dù lớn, dù nhỏ, ngoài vấn đề chủ trương, đường lối, biện pháp, chính sách đúng đắn, thì vấn đề nêu gương luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nêu gương của người lãnh đạo, người đứng đầu là để mọi người học theo, làm theo, tin theo. Những tấm gương như thế ở đâu, lúc nào cũng rất cần.
Nêu gương không chỉ là trong việc trau dồi đạo đức, phẩm chất, là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… mà trong mọi phong trào, mọi lĩnh vực, ở đâu cũng cần sự nêu gương: Sản xuất, học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...
Các tuyến phố tại Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phạm Hải |
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tập thể Bộ Chính trị đặc biệt coi trọng, nhấn mạnh và yêu cầu cán bộ trong hệ thống chính trị phải nêu gương. Điều đó không chỉ là đòi hỏi mang tính khách quan, mà còn vì tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội đang diễn ra, đang làm xấu đi hình ảnh của cán bộ, đảng viên.
Điều lệ Đảng, pháp luật của đất nước từ lâu đã có những quy định yêu cầu công dân, cán bộ, công chức ai cũng phải chấp hành, phải thực hiện. Nêu gương là yêu cầu, đòi hỏi thể hiện sự tự nguyện, tự giác. Nêu gương không chỉ là "nên làm", mà là "phải làm", "tự nguyện, tự giác làm" không chờ ai đôn đốc, nhắc nhở, giám sát. Làm vì mình, cho mình và làm để được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng và làm theo.
Trước đây, khi Đảng chưa giành được chính quyền, có biết bao cán bộ, đảng viên đã nêu tấm gương chói sáng về sự hy sinh, xả thân vì dân, vì nước. Có biết bao đồng chí dù bị địch dùng hết mọi cực hình tra tấn, đày ải trong lao tù nhưng vẫn sắt son một lòng, một dạ, trung với nước, với Đảng, với dân. Những tấm gương ấy, nhân dân không bao giờ quên.
Khơi dậy khát vọng của toàn dân
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra 2 tầm nhìn 100 năm (đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Vậy theo ông, điều gì là quan trọng nhất để hiện thực hóa những tầm nhìn này?
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không chỉ vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm sắp tới, mà còn đề ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu hướng tới hai sự kiện rất trọng đại: 100 năm thành lập Đảng (1930-2030) - Việt Nam trở thành nước cơ bản có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và 100 năm thành lập nước (1945-2045) - Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Thật ra, chúng ta nói tầm nhìn 100 năm là để nói về cả một chặng đường phấn đấu lâu dài, gian khổ của toàn Đảng, toàn dân ta từ khi có Đảng (năm 1930). Để đi tới những mục tiêu, tầm nhìn 100 năm, đất nước ta, nhân dân ta cũng đã từng lập nên biết bao kỳ tích: Cách mạng tháng Tám thành công lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Và bây giờ, đất nước ta đang tiếp bước trên chặng đường đổi mới, đã và đang giành được những thành tựu to lớn, có tính lịch sử, nâng cao vị thế, tầm vóc, uy tín của đất nước.
Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp được Đại hội xem xét thông qua có rất nhiều nội dung mang tính tổng kết kinh nghiệm của nhiệm kỳ và cả giai đoạn đất nước đổi mới, vừa hoạch định phương hướng, chính sách cho những năm tiếp theo.
Tôi cho rằng, các nội dung định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong dự thảo văn kiện rất quan trọng, thể hiện sự phân tích, dự báo khoa học những điều kiện và khả năng của đất nước, đồng thời đây cũng là trách nhiệm của Đảng lãnh đạo và yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân.
Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu này, có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu chúng ta cần tiếp tục quán triệt và phát huy. Trong đó, có những bài học tưởng là đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng, đó là phải luôn luôn bám sát thực tiễn, làm đúng quy luật, lắng nghe ý nguyện của nhân dân.
Dự thảo văn kiện lần này có một nội dung mới rất hợp lòng dân, là phải khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc. Khát vọng của dân tộc, đó là ý chí, tình cảm và quyết tâm của toàn dân tộc, là ý Đảng gặp lòng dân. Đó cũng là nguồn sức mạnh tiềm tàng cực kỳ to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Thế hệ cha anh hôm qua đã chiến đấu hy sinh ròng rã hàng trăm năm để thực hiện khát vọng độc lập, tự do. Ngày nay, thế hệ chúng ta phải thực hiện bằng được khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, sự mạnh giàu cho đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của biết bao thế hệ đi trước và đòi hỏi hết sức mãnh liệt, bức thiết của nhân dân ta.
Cơ cấu, thành phần đại biểu dự Đại hội XIII
Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu.
Hương Quỳnh