Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án bán đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") gây thất thoát tài sản nhà nước xảy ra tại Đà Nẵng.

Theo kết luận điều tra, 21 bị can trong vụ án này có liên quan đến 21 bất động sản công sản đã được Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) cấu kết với các bị can khác để mua giá rẻ và 7 dự án bất động sản với giá trị quyền sử dụng đất là hàng chục ngàn tỉ đồng. 

{keywords}
Hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến 

Bản kết luận điều tra nêu rõ: Bị can đầu vụ được xác định là Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ông Minh bị đề nghị truy tố 2 tội danh "vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "vi phạm các quy định về quản lý đất đai", gây thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngân sách nhà nước, là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện các hành vi phạm tội.

Từ năm 2002 đến 2017, Phan Văn Anh Vũ đã đứng tên, nhờ người thân đứng tên thành lập, tham gia góp vốn và trực tiếp điều hành hoạt động của 5 DN kinh doanh bất động sản, với mục đích thâu tóm nhiều dự án bất động sản và nhà, đất công sản ở Đà Nẵng không qua đấu giá quyền sử dụng đất, với giá thấp hơn giá do UBND quy định và thu lợi cá nhân với số tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, từ năm 2006 đến 2014, bị can Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) và bị can Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014) được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai ở Đà Nẵng. 

{keywords}
Phan Văn Anh Vũ

Tuy nhiên, Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai như: Ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản ở Đà Nẵng cho bị can Phan Văn Anh Vũ trái quy định của pháp luật; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, cho phép chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tại một số dự án bất động sản, trước khi được chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ, bị can Minh đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng các văn bản pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, thủ tục để giúp Vũ được nhận chuyển nhượng các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, với giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND TP quy định.

Tại một số nhà, đất công sản, mặc dù không thuộc diện được mua chỉ định nhưng Vũ "nhôm" đã lợi dụng những văn bản pháp lý của Đà Nẵng để bàn bạc, thỏa thuận với giám đốc một số công ty (là các đơn vị được mua chỉ định nhà đất) đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.

Sau đó, trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công ty này lại có văn bản đề nghị thay đổi tên người trên bìa đất sang cho bị can Phan Văn Anh Vũ hoặc công ty, người thân của Vũ với lý do các đơn vị, cá nhân này là người nộp tiền mua nhà và chia lợi ích với nhau. Mặc dù biết rõ việc này nhưng bị can Minh vẫn đồng ý cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản cho Vũ hoặc công ty, người thân của Vũ.

Theo kết luận điều tra, số tiền mà các bị can gây thất thoát của Nhà nước trong cả 2 tội danh là gần 20.000 tỷ đồng.

Giúp Vũ 'nhôm' thâu tóm nhà đất, ông Trương Duy Nhất bị đề nghị truy tố

Giúp Vũ 'nhôm' thâu tóm nhà đất, ông Trương Duy Nhất bị đề nghị truy tố

 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trương Duy Nhất vì giúp Vũ "nhôm" thâu tóm trụ sở 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.

Thái Bình