Sau khi nhận được đơn tố cáo liên quan một số cá nhân gây quỹ từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt năm 2020, Cục CSHS, Bộ Công an đã đề nghị các địa phương xác minh, rà soát số tiền, hàng cứu trợ. VietNamNet đã có trao đổi với các luật sư xung quanh tình huống pháp lý này.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng: Kết quả rà soát tiền đã làm từ thiện nếu được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, có thể được coi là chứng cứ chứng minh có hay không có hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng tiền từ thiện.

Để làm rõ việc có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện, cần phải xác minh qua nhiều yếu tố, chứ không chỉ qua số liệu các địa phương cung cấp. Nói cách khác, số liệu này sẽ được CQĐT so sánh, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác mới đi đến kết luận đúng sai thế nào.

{keywords}
Luật sư Giang Hồng Thanh 

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, có một thực tế không thể phủ nhận, trong lúc người dân cần sự hỗ trợ khẩn cấp, hầu như các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân, tổ chức ủng hộ người dân mà bỏ qua các thủ tục chặt chẽ, đôi khi là rườm rà.

Do đó, việc xác nhận số tiền, vật chất tiếp nhận sẽ không thể chính xác 100%, mà có thể con số sẽ bị lệch tăng lên hoặc giảm đi.

Và như vậy sẽ xảy ra tình trạng tình ngay lý gian, tức là cá nhân, tổ chức ủng hộ không thể chứng minh được họ đã sử dụng bao nhiêu tiền từ thiện, do đó họ phải chịu trách nhiệm về việc này.

Còn theo luật Sư Đặng Hoài Vũ - Trưởng Văn Phòng Luật Sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự (Đoàn Luật Sư TP.HCM), kết quả rà soát tiền đã làm từ thiện chỉ là một trong những cơ sở để xác định có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện.

Để kết luận có hành vi ăn chặn tiền từ thiện không, phải dựa trên 3 yếu tố: Tổng số tiền thực nhận của các nhà hảo tâm; tổng số tiền thực chi và số tiền các cá nhân thực nhận. Từ đây mới có căn cứ xác định hành vi của các cá nhân này có cấu thành tội phạm hay không.

Theo ông Vũ, giả sử, ngay từ đầu cá nhân đã có mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ không công khai chính xác số tiền đã nhận được từ các nhà hảo tâm, mà âm thầm chiếm đoạt và chỉ công khai một phần, rồi đem phần này đi từ thiện.

{keywords}
Luật Sư Đặng Hoài Vũ

Như vậy, đương nhiên số liệu tra soát sẽ khớp với con số được công khai. Nhưng thực chất, số tiền này không đúng với số tiền thực tế cá nhân này đã nhận được, mà đã bị chiếm đoạt.

Trường hợp sau khi kêu gọi tiền cứu trợ, cá nhân này mới nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng các thủ đoạn gian dối, dẫn đến việc không sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền vào mục đích ban đầu là từ thiện.

Trường hợp này, nếu chỉ xét trên một khía cạnh là số tiền đã làm từ thiện có xác thực của chính quyền địa phương thì một là chưa đủ căn cứ đối chiếu số tiền tổng thu so với tổng chi; hai là không đủ cơ sở xác nhận số tiền người dân thực nhận là bao nhiêu.

Ví dụ địa phương xác nhận các cá nhân có thực tế làm từ thiện, nhưng trong quá trình phát tiền thì không hề có danh sách ký nhận, để xác nhận số tiền thực tế người dân được nhận có đúng như tổng chi hay không.

Cũng không loại trừ trường hợp trong khi phát tiền có gian lận, chính quyền xác nhận số tiền nhưng thực tế không phát; lập danh sách trước và phân thành từng cọc tiền nhưng khi phát thì rút ruột cọc tiền...

Vẫn theo luật sư Đặng Hoài Vũ, nếu chỉ dựa vào số liệu các tỉnh cung cấp thì chưa thể làm rõ hành vi ăn chặn tiền từ thiện. Muốn xác định có vi phạm hay không, CQĐT phải làm rõ và thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm theo cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp số liệu trùng khớp và cơ quan chức năng không có đủ chứng cứ chứng minh cho hành vi cấu thành tội phạm thì mới chứng minh được sự trong sạch của các cá nhân, công dân này.

Lúc này, để xem xét xử lý người tố cáo thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Khoảng trống pháp lý

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, hiện chỉ có Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Khoản 1 Điều 5 Nghị định này quy định có ba nhóm cơ quan, tổ chức được phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Ngoài ra, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Đây là thiếu sót của Nghị định này, bởi lẽ về nguyên tắc, khi người dân gặp khó khăn hoạn nạn, càng có nhiều nguồn ủng hộ càng tốt, người dân đâu cần phân biệt cá nhân hay tổ chức.

Tuy nhiên, do quy định cá nhân không được kêu gọi từ thiện nên cá nhân đang nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định số 68/2008.

Chính vì không có một văn bản pháp luật điều chỉnh chuyên biệt nên hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ của cá nhân được thực hiện một cách tự do, không có sự ràng buộc, kiểm soát như hiện nay.

Luật sư Thanh cho rằng, nhu cầu cần nhận sự hỗ trợ từ mọi nguồn khác nhau của người có hoàn cảnh khó khăn là nhu cầu chính đáng, nên Nhà nước cần sớm ban hành quy định cho phép mọi tổ chức, cá nhân được quyền kêu gọi từ thiện và phải tuân theo pháp luật.

Nếu không, người thiệt thòi nhất vẫn là người dân, khi các cá nhân hảo tâm muốn vận động giúp đỡ họ, nhưng vì sợ vi phạm và bị xử lý mà không dám thực hiện.

Tư túi tiền từ thiện có thể nhận án tù

Tư túi tiền từ thiện có thể nhận án tù

Cơ quan điều tra sẽ xác minh, điều tra các vụ việc lùm xùm liên quan đến các hoạt động từ thiện khi có tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân hay trên phương tiện thông tin đại chúng.

T.Nhung