Những ngày cuối năm bận rộn, anh Nguyễn Hồng Ngự (47 tuổi, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) kể cho chúng tôi về cái “duyên” anh trở thành tỷ phú với đàn trâu hàng trăm con như hiện nay.

Ngồi trên bãi đất trống, người đàn ông dáng thấp, da ngăm kể, tuổi thơ của anh gắn bó với con trâu. Lớn lên anh cũng chọn con trâu làm mục tiêu khởi nghiệp.

{keywords}
Anh Nguyễn Hồng Ngự bên đàn trâu của mình 

“27 năm trước, Lương Nghĩa là vùng đất nhiễm phèn nặng nên mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, mỗi vụ chỉ được khoảng 20 giạ lúa/công. Mà bực nhất lúc làm lúa không có trâu kéo. Lúc đó, tôi vừa cưới vợ nên quyết định gom tiền, vàng cưới đi mua con trâu cái với giá 5 triệu đồng. Thiệt tình lúc đó chỉ nghĩ mua trâu về để phụ mình cày bừa, kéo lúa, chứ không tính đến chuyện nuôi trâu làm giàu”, anh Ngự chia sẻ.

Không chỉ dùng trâu vào kéo lúa cho ruộng nhà, anh Ngự còn đi kéo thuê cho bà con hàng xóm. Xong vụ mùa năm đó, anh Ngự còn dư tiền mua được gần 1 cây vàng. Vài tháng sau con trâu cái có chửa, anh bắt đầu gây đàn.

{keywords}
 
{keywords}
Từ một con trâu cái, đến nay anh Ngự có đàn trâu hàng trăm con 

“Sau vài năm, trâu mẹ đẻ trâu con; trâu con đẻ trâu con… nên từ con ban đầu tôi gầy dựng nên đàn trâu hàng trăm con. Riêng đối với con trâu cái ban đầu, sau 17 năm đẻ được 16 con nghé thì nó chết”, anh Ngự nói.

Trâu nhiều nhưng chưa bao giờ đàn trâu của anh Ngự tụ lại 1 chỗ mà được chăn thả nhiều nơi ở Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp... để thuận tiện cho việc trao đổi, mua bán.

Theo anh Ngự, trâu rất thích ở ngoài đồng để ngâm mình dưới nước nên hàng ngày phải dắt chúng ra thả cho tắm, uống nước khoảng 1 tiếng.

“Sau đó, dắt chúng về chuồng cắt cỏ cho ăn. Nuôi trâu cực nhất là cắt cỏ nhưng bù lại không tốn tiền mua thức ăn như nuôi heo, gà, vịt…”, anh Ngự nói.

Để có đủ nguồn cỏ cho trâu ăn, anh Ngự dành 20 công đất để trồng cỏ. Khi cỏ ở đồng nhà hết, anh Ngự đi mua len trâu ở những đồng vừa cắt lúa. Theo anh, những mùa đi len thì trâu rất mập.

Bán trâu xây nhà hơn 3 tỷ

Cái hay trong việc nuôi trâu của anh Ngự là người đàn ông này mua trâu ốm với giá rẻ đem về vỗ béo. Sau đó, bán trâu thịt. Mỗi năm anh cung ứng ra thị trường gần 500 con trâu thịt, trừ chi phí anh thu lợi hơn nửa tỷ đồng.

Chưa dừng lại, với 40 con trâu cái mỗi năm sinh sản hàng chục nghé con, anh bán được khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chọn ra những con trâu to, khoẻ cho bà con thuê lấy sức kéo với giá 6 triệu đồng/năm.

{keywords}
Anh Ngự chăm sóc đàn trâu

“Người ta thuê trâu đực về kéo lúa, kéo rơm. Cuối năm mình nhận trâu về vừa không tốn chăm sóc, lại có thu nhập”, anh nói. Với tất cả thu nhập mỗi năm anh thu về hơn 1 tỷ đồng.

Nhờ kinh nghiệm nuôi trâu từ nhỏ nên anh Ngự rất hiểu mùa nào trâu thích ăn gì và chăm sóc ra sao cho mau lớn, mau mập.

Từ đó, anh nuôi trâu bán được giá hơn từ 3-5 triệu/con, so với người khác. “Con trâu tốt, khoẻ mạnh có hông nhỏ nhưng mông to. Con trâu hiền khi gặp người nó rất dạn dĩ. Ngược lại, trâu hung khi gặp mình, đôi mắt nó láo liên, tai vểnh lên…”, anh chia sẻ.

Hiện, đàn trâu của anh Ngự nhiều đến nổi, người ta kháo với nhau nếu đi đâu đó ở miền Tây mà gặp đàn trâu khoảng chục con thì có thể đó là trâu của anh Ngự.

Bởi anh gửi trâu khắp nơi như: An Giang, Đồng Tháp… ở đâu có đồng cỏ tốt là có đàn trâu của anh Ngự.

Anh Ngự chia sẻ, có được con trâu trong nhà xem như có tài sản lớn. Nhờ con trâu mà anh Ngự có trong tay hơn 200 công đất. 

{keywords}
Anh Ngự sở hữu hàng trăm con trâu

Theo anh Ngự, giá mỗi con trâu cái trưởng thành hiện nay khoảng 50 triệu đồng; trâu lứa có giá từ 30 -40 triệu đồng/con. 

“Năm nay, tôi vừa bán 110 con trâu lứa được hơn 3 tỷ đồng để lấy tiền cất nhà. Từ ngày nuôi trâu, cuộc sống gia đình tôi sống thoải mái hơn. Mà cũng chính nhờ nuôi trâu mà tôi có nhiều đất như hiện nay. Mỗi khi nghe kêu ai bán đất, tôi lại bán vài con trâu để mua”, anh nói.

 

2 chiếc giường 'trái cực' độc đáo của công tử khét tiếng miền Tây

2 chiếc giường 'trái cực' độc đáo của công tử khét tiếng miền Tây

Trong một ngôi chùa ở miền Tây đang có một cặp giường "trái cực" của vị công tử khét tiếng, nhiều du khách tò mò đến xem. 

Thiện Chí