Bên lề hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời một số nội dung xung quanh các vụ việc bạo lực học đường như vụ học sinh lớp 9 bị bạn cùng lớp đánh hội đồng ở Hưng Yên, vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy tại TP.HCM.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Theo Bộ trưởng Nhạ, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường thì việc giáo dục, tuyên truyền trên lớp đối với học sinh đã được thực hiện nhiều năm qua và đã có quy định.
Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt đoàn, đội hay trong các tiết học giáo dục công dân… cũng kết hợp giáo dục, tuyên truyền để học sinh “nói không” với bạo lực học đường, cũng như các biện pháp phòng tránh.
"Đối với các cháu tạm gọi là cá biệt cũng phải quan tâm giáo dưỡng để các cháu biết bạo lực học đường là không tốt, thậm chí gây ra những vụ việc như thế là phạm pháp", Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh.
Còn với các cháu yếu thế, ông cho rằng phải dựa vào các thầy cô. Việc này cần sự đồng hành của cả xã hội để giáo dục, tuyên truyền một cách nhẹ nhàng, không rầm rộ. Giáo dục đạo đức lối sống ứng xử tốt thì phải dần dần từng bước.
"Những việc này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm quan trọng", Bộ trưởng Nhạ nói.
Qua một số vụ việc trẻ em bị xâm hại, gầy đây nhất là vụ cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy tại TP.HCM, theo Bộ trưởng, để trẻ em tránh bị xâm hại thì cần phải dạy các cháu những kỹ năng gì ngay trong nhà trường?
Việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh là rất quan trọng. Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn tâm lý học đường. Chúng ta phải tăng cường hướng dẫn các cháu để phòng tránh.
Chẳng hạn như các kỹ năng phòng ngừa ở nơi công cộng như thang máy, nhà vệ sinh công cộng.
Tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo các trường đẩy mạnh việc trang bị kỹ năng phòng tránh cho các cháu.
Để tạo môi trường lành mạnh trong giáo dục đạo đức lối sống, ứng xử cho các em, có nên vận động các gương người tốt, việc tốt, các ngôi sao, cầu thủ bóng đá là thần tượng của giới trẻ đến trường để nói chuyện với các em, tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cũng như ý thức bảo vệ các em, tránh bị xâm hại?
Đây là một đề xuất tốt. Trẻ con đang phát triển thì rất muốn có những tấm gương để tạo ảnh hưởng tốt đến các em. Nếu để những hình ảnh xấu trong xã hội tác động đến các em thì rất nguy hiểm như Khá 'bảnh' vừa rồi.
Cũng không chỉ các ngôi sao mà những bạn tốt trong lớp, những tấm gương để cảm hóa lẫn nhau thì rất tốt, hơn là dùng biện pháp hành chính đe dọa. Các cháu bé thì chủ yếu dùng các biện pháp giáo dưỡng nhẹ nhàng, động viên.
Vậy trong thời gian tới đây, Bộ có tính đến việc áp dụng vào các trường, các lớp những giờ sinh hoạt như thế?
Bộ sẽ lưu ý để tăng cường và đẩy mạnh việc này. Không chỉ thế, còn đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các nhà trường.
Chính sách hiện nay tương đối nhiều, quan trọng là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, người thực hiện, các nhà trường và địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí cũng nên đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án những thói hư tật xấu.
Cựu Phó viện trưởng VKS Đà Nẵng: Tôi chỉ nựng bé gái
Cựu phó viện trưởng VKS nhân dân Đà Nẵng thừa nhận bản thân là người trong clip và lúc đó không sử dụng bia rượu.
Thu Hằng