Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Mai Đức Thiện, đề xuất bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm là ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để người dân tri ân người có công.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH nhận định, nếu có thêm 1 ngày nghỉ nữa thì tổng ngày nghỉ lễ trong năm cũng chỉ là 11, thấp hơn các nước trong khu vực.
"Thường vụ QH đã họp bàn nhưng vẫn có 2 luồng ý kiến. Do vậy cần xin ý kiến nhân dân, đánh giá các yếu tố xã hội" - ông Lợi nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thống nhất giờ làm |
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, không nên chọn ngày 27/7 để nghỉ thêm 1 ngày trong năm vì không nên xoáy sâu vào những chuyện đã qua.
"Thay vì nghỉ thêm ngày này, nhà nước nên khuyến khích người lao động đi làm và sử dụng tiền ngày công đó để tri ân những người có công", ông Cẩm nói.
Về đề xuất thống nhất giờ làm các cơ quan nhà nước về 1 khung giờ (8h30 tới 17h30), theo ông Thiện, hiện đa phần DN không có giờ nghỉ trưa vì sản xuất theo ca, còn cơ quan hành chính nhà nước lại có giờ nghỉ trưa, thậm chí giờ nghỉ trưa dài.
Điều này đặt ra vấn đề, liệu có phân biệt đối xử giữa cơ quan và DN không.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định hiện hành để các cơ quan, địa phương linh động giờ làm theo điều kiện khí hậu, tập quán tại địa phương mình. Vì thế đề nghị thống nhất giờ làm các cơ quan nhà nước, giữ nguyên như hiện nay.
Nên để hoán đổi nghỉ bù Tết âm lịch
Theo ông Mai Đức Thiện, có nhiều ý kiến cho rằng nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam lệch với thế giới, thời gian nghỉ lại quá dài làm ảnh hưởng tới công việc và các đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm lập luận, không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết. Có nhiều người lao động làm xa nhà nên DN linh động cho họ nghỉ Tết thêm, thậm chí nghỉ tới hết ngày 15 tháng giêng. Điều này khuyến khích người lao động có thêm động lực làm việc.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thuý Hương, đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam chia sẻ, việc thay đổi nghỉ Tết là không cần thiết. Hiện DN ngành điện tử tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó, khi nghỉ Tết người lao động từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ, khi luật Lao động mới hình thành (1994) đã có quy định nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán. Quy định này có tính nhân văn và giúp người lao động có thể giải quyết tình trạng ách tắc tàu xe mỗi dịp trước và sau Tết.
Vì thế dự thảo nên giữ nguyên theo quy định hiện hành về ngày nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi nói, nghỉ Tết đang được thực hiện ổn định, không nên bàn tới việc sửa đổi.
Đề xuất Tết Nguyên đán không nghỉ bù, thêm 1 ngày nghỉ 27/7
Dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất nghỉ nghỉ thêm ngày 27/7; nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch nhưng nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Vũ Điệp