Sáng nay (19/10), Thành ủy - UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VT |
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, TP sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn. TP cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham cho rằng, Hà Nội đã mở cửa trở lại, doanh nghiệp hy vọng đường bay từ Hà Nội đến các địa phương khác và quốc tế được mở, đồng thời mở cửa trường học để người lao động yên tâm trở lại làm bình thường.
Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...
Theo ông Inouce, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), từ thực tiễn thời gian qua, phương án đề xuất được cho là hiệu quả hơn trong trường hợp sau này nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp là không áp dụng biện pháp 3 tại chỗ mà cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà không liên quan đó là vùng dịch hay không.
Đồng thời, chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với một số lượng người nhất định; gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính là khoảng 2 tuần.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến. Ảnh: VT |
Ông Inoue mong muốn TP thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi tối thiểu.
Liên quan đến nới lỏng quy định vận tải hàng hóa, việc xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa làm tăng chi phí vận tải. Ngoài ra, khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại khu vực có phát hiện ca nhiễm cộng đồng thì các phương tiện vận tải hàng hóa không được đi qua khu vực quận, huyện đó, gây cản trở lớn đến việc cung cấp vật tư, hàng hóa cần thiết phục vụ sản xuất nhu yếu phẩm của nhân dân và hoạt động sản xuất của nhà máy.
Bên cạnh đó, biện pháp 3 tại chỗ đối với doanh nghiệp vận tải cũng làm hạn chế nhiều đến số lượng lao động làm việc.
Phương án đề xuất giải quyết cho vấn đề này là nới lỏng tần suất xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe chở hàng hóa nếu họ đã tiêm vắc xin, cho phép lưu thông qua cả khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nằm trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và điểm cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách xã hội...
Một số đại diện doanh nghiệp khác thì đề nghị rút ngắn thời gian xin cấp phép cho chuyên gia nước ngoài vì hiện nay chuyên gia phải chờ từ 1 đến 2 tháng mới hoàn thiện thủ tục vào làm việc. Cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết...
Quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh thông tin, việc nhập cảnh của các nhà đầu tư và chuyên gia trong bối cảnh dịch bệnh đã được quy định rõ và có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ. Việc xử lý nhanh hay chậm tùy thuộc vào các địa phương. Theo quy định mới, giấy phép cho lao động người nước ngoài hết hạn cần được cấp mới, thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, trong đợt dịch thứ 4, khi ca F0 xuất hiện tại phân xưởng nhà máy, chúng ta đã thực hiện theo nguyên tắc chỉ phong tỏa phân xưởng, sàng lọc, phun trùng khử khuẩn, sau 24 giờ, phân xưởng được hoạt động trở lại, chứ không phong tỏa cả nhà máy như các giai đoạn trước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VT |
Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, cùng với những đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ.
Ông Chu Ngọc Anh bày tỏ, càng về cuối năm, cơ hội và triển vọng phục hồi kinh tế càng trở nên rõ nét: dịch bệnh cơ bản được kiểm soát chủ động hơn; tỷ lệ phủ vắc-xin tăng nhanh; sức chống chịu khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã được thử thách, không ít doanh nghiệp đã thích ứng và từng bước vượt qua...
Ông khẳng định, lãnh đạo TP cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.
Hương Quỳnh
Hà Nội phân vùng nguy cơ: Không có xã phường thuộc cấp độ 3 và 4
Theo Sở Y tế Hà Nội, có 343 xã phường thuộc vùng 1, 236 xã phường vùng 2, không có xã phường nào thuộc vùng 3 và 4.