Sức ép lớn

16h chiều 30/9, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung đặt chân xuống sân bay Nội Bài sau hành trình từ tỉnh Bình Dương về với quê hương Vĩnh Phúc sau nhiều ngày sống trong vùng dịch bệnh.

Nhiều tháng liền mất việc làm tại Bình Dương, chị Nhung gặp nhiều khó khăn khi sống trong vùng phong tỏa cùng nỗi lo dịch bệnh bủa vây. Ngay sau khi nhận được thông tin về chủ trương đón công dân về quê của tỉnh Vĩnh Phúc, chị Nhung nhanh chóng liên hệ với Sở LĐ-TB-XH tỉnh để được hỗ trợ.

Rảo những bước chân trên mảnh đất quê hương, chị Nhung xúc động khi trải qua cảm xúc “niềm vui lớn nhất của cuộc đời”.

Chị Tuyết Nhung là một trong số 181 người khác khởi hành trên chuyến bay miễn phí do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bố trí trong chương trình đón công dân của tỉnh từ vùng dịch phía Nam trở về quê hương.

Đón 20.000 dân vùng đỏ trở về và 66 ngày không Covid ở Vĩnh Phúc-1

Công dân vui mừng khi xuống sân bay Nội Bài để về khu cách ly tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trà Hương

Kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát (từ ngày 27/4), tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận gần 20.000 công dân từ các địa phương có dịch trở về. Trong số đó, người từ vùng dịch TP Hà Nội chiếm số lớn với xấp xỉ 10.000 người, các tỉnh phía Nam khoảng 3.000 công dân.

Thống kê hiện nay cho thấy, có khoảng 14.000 lao động tự do người Vĩnh Phúc đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhóm đối tượng công dân này chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch khi không đảm bảo việc làm.

Việc tiếp nhận lượng lớn công dân trong thời gian ngắn đã tạo sức ép rất lớn lên hệ thống phòng, chống dịch của tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù vậy, cho đến nay (7/10), tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 66 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và trở thành tỉnh vùng xanh trên bản đồ Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với các địa phương ngày 2/10 đã đề nghị các tỉnh, thành phố tham khảo cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc về việc đón công dân vùng dịch về quê an toàn, hiệu quả.

Quy trình chặt, triển khai thần tốc

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Thục Phương nói với VietNamNet rằng việc đón công dân trở về từ vùng dịch các tỉnh phía Nam “là chưa từng có tiền lệ” và mọi kế hoạch, kịch bản đón người dân đều được Sở làm cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh.

“Khi dịch bùng phát ở tỉnh Bắc Giang, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tổ chức đón công dân về quê nhưng tính chất và cách thức có nhiều sự khác biệt. Đặc biệt, với khoảng cách địa lý rất xa và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lớn hơn rất nhiều buộc các cán bộ làm nhiệm vụ phải đặt sự an toàn lên hàng đầu”, bà Phương nói.

Kế hoạch đưa đón công dân trở về được thực hiện ngay sau khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam thay đổi các biện pháp phòng chống dịch khi nới lỏng các khu vực giãn cách.

Để thực hiện đón công dân an toàn, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng quy trình 5 bước chặt chẽ. Đầu tiên, tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND các huyện, thành phố lập danh sách từng công dân có nguyện vọng trở về địa phương với các thông tin đầy đủ về nhân thân. Danh sách này sau đó sẽ được chuyển lên Sở LĐ-TB-XH  để rà soát, tổng hợp, xây dựng phương án để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tiếp đó, Sở LĐ-TB-XH tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản trao đổi với hãng hàng không và đính kèm theo danh sách công dân có nguyện vọng được về quê. Hội Chữ thập đỏ tỉnh kí hợp đồng với hãng hàng không để đón công dân từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất về sân bay Nội Bài. Sau khi kí xong hợp đồng, hãng hàng không có trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn công dân làm thủ tục cần thiết để lên máy bay.

Đón 20.000 dân vùng đỏ trở về và 66 ngày không Covid ở Vĩnh Phúc-2

Các công dân được đón từ sân bay về thẳng khu cách ly và được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Trà Hương

Bước tiếp theo, Sở LĐ-TB-XH tham mưu cho tỉnh có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phía Nam chỉ đạo các đơn vị có liên quan cho phép, phối hợp thực hiện, tạo điều kiện để cho công dân quê Vĩnh Phúc di chuyển từ nơi lưu trú đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Sau đó, các công dân Vĩnh Phúc đủ điều kiện có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất  đúng thời gian yêu cầu và chuẩn bị đầy đủ các tư trang, giấy tờ theo quy định. Trong đó, một số điều kiện bắt buộc bao gồm: công dân phải có phiếu xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính trong vòng 72h; nếu là phụ nữ có thai thì phải có giấy khám thai gần nhất; các giấy tờ chứng minh liên quan nếu công dân chưa đủ 16 tuổi…

Cuối cùng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh, Sở Y tế điều hành toàn bộ phần công việc đưa đón công dân từ sân bay Nội Bài về khu cách ly tập trung của tỉnh. Sở Y tế cử cán bộ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với các công dân tại khu cách ly tập trung.

Được biết, trong các chuyến bay đầu tiên đón công dân về quê, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên đón công dân trên 60 tuổi, trẻ em dưới 16 tuổi có cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định, phụ nữ mang thai đủ điều kiện đi máy bay, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng và người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Theo bà Ngô Thục Phương, với quy trình chặt chẽ nêu trên, 181 công dân đầu tiên được đón về trong thời gian rất ngắn – vỏn vẹn 7 ngày kể cả quá trình lên danh sách, ký hợp đồng với hãng hàng không và tất cả các thủ tục liên quan để đưa công dân trở về.

Trực tiếp chứng kiến đoàn công dân đáp chuyến bay để về với quê hương, bà Ngô Thục Phương chia sẻ sự xúc động khi những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước đưa người dân trở về an toàn.

“Không khí ở sân bay Nội Bài lúc đó rất đặc biệt, ánh mặt của mọi người đều ánh lên niềm vui, nhẹ nhõm khi sau nhiều ngày sống ở tâm dịch họ đã được trở về trên quê hương mình”, bà Phương nói về buổi chiều đặc biệt trong sự nghiệp của mình.

Tổ Covid giám sát người về tự phát

Bên cạnh việc đón công dân về theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc đứng trước nhiều thách thức khi có rất đông công dân trở về địa phương tự phát. Đối với nhóm công dân này, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên đẩy mạnh vai trò của các Tổ Covid cộng đồng và trách nhiệm tố giác người vi phạm của mỗi người dân.

Với việc kiểm soát người dân về tự phát, tỉnh Vĩnh Phúc bám chặt chỉ đạo của Thủ tướng khi xác định mỗi xã phường là một pháo đài và mỗi người dân thật sự là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch Covid-19.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhìn nhận, người dân giữ vai trò quan trọng nhất trong thành quả chống dịch hiện nay của tỉnh.  Việc các chính sách của chính quyền được nhân dân chia sẻ, người dân trực tiếp giám sát các vi phạm giúp công tác chống dịch hiệu quả và ngăn chặn dịch xâm nhập vào cộng đồng.

Đón 20.000 dân vùng đỏ trở về và 66 ngày không Covid ở Vĩnh Phúc-3

Phụ nữ có thai và các em nhỏ được ưu tiên đón về trước. Ảnh: Trà Hương

Thực tế ở Vĩnh Phúc cho thấy, có không ít trường hợp gia đình có con trở về từ vùng dịch tuy nhiên bị chính người thân khóa cổng không cho vào và buộc phải ra cơ sở y tế gần nhất để khai báo.

Đơn cử tại huyện Yên Lạc, đầu tháng 5/2021, huyện ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 trong tổng số 9 người về từ TP.HCM. Tỷ lệ mắc Covid-19 ở mức cao của nhóm công dân về từ vùng dịch dấy lên nhiều lo ngại. Tuy nhiên, nhờ cách chống dịch chủ động cộng với ý thức của mỗi người dân, gia đình đã giúp chặn đứng nguồn lây của dịch ra cộng đồng.

Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, toàn huyện Yên Lạc có 120 ca mắc Covid-19, riêng từ ngày 6/7 đến nay, huyện ghi nhận hàng chục ca là những người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cách làm của huyện để giữ vững thành quả chống dịch của tỉnh nằm ở chỗ các cơ quan chính quyền chủ động trong nắm bắt danh sách và chủ động phương án, cùng với đó là ý thức khai báo của người dân.

Các xã, thị trấn đã chủ động rà soát chính xác số lượng công dân trên địa bàn đang sinh sống và làm ăn tại khu vực phía Nam, nhất là TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Thông qua tổ Covid-19 cộng đồng, chính quyền sẽ nắm được nhu cầu công dân về quê.

Sau khi nắm bắt được nhu cầu về quê của người dân, huyện nắm bắt được thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện sử dụng từ đó Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện dùng xe chuyên dụng đón thẳng từ sân bay, bến tàu và đưa thẳng vào cơ sở cách ly.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành quả chống dịch là nhờ ý thức của người dân trong việc chủ động khai báo y tế và chấp hành cách ly tập trung theo quy định.

20.000 giường sẵn sàng tại các khu cách ly

Trước việc dự báo người về từ vùng dịch còn tăng cao, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động chỉ đạo các huyện, thành phố chuẩn bị cơ sở cách ly. Cụ thể, tỉnh chuẩn bị cơ sở cách ly y tế tập trung quy mô đến 20.000 giường, trong đó, cấp tỉnh chuẩn bị 10.000 giường, TP Vĩnh Yên và TP Phúc Yên mỗi địa phương 1.500 giường, các huyện còn lại mỗi huyện 1.000 giường.

Với sự chủ động trong dự phòng cơ sở cách ly, việc cách ly được thực hiện nghiêm ngặt về khoảng cách, không để lây chéo ngay trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng.

Ngoài ra, từ tháng 5/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 03 về việc quy định một số chế độ hỗ trợ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Nghị quyết này cho phép ngân sách hỗ trợ tiền ăn cho nhóm đối tượng cách ly theo diện bắt buộc. Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm cho nhóm đối tượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí của UBND tỉnh về tổ chức xét nghiệm cho các đối tượng mở rộng nguy cơ lây nhiễm, tầm soát theo diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ vào nghị quyết nêu trên, các công dân trở về từ vùng dịch được ngân sách của tỉnh chi trả toàn bộ chi phí tại khu cách ly và chi phí xét nghiệm. Việc nhà nước hỗ trợ tối đa giúp cho công dân yên tâm thực hiện cách ly. Cộng với đó, sau nhiều tháng không có việc làm với hoàn cảnh khó khăn, việc được hỗ trợ tiền ăn và chi phí xét nghiệm có ý nghĩa nhân văn đối với người trở về từ vùng dịch.
 

Trải qua 66 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng ấn tượng. GRDP 9 tháng đầu năm 2021 tăng 9,62% (con số này ở Hà Nội là 1,28%, Bắc Ninh 8,57%, Hải Dương 7,28%, Hải Phòng 12,28%…).

Duy trì tỉnh vùng xanh trên bản đồ Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút 31 dự án DDI với vốn đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 128%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của 52 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 992 triệu USD, tăng 218%.  Trong 9 tháng có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 292 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tổng thu ngân sách tính đến ngày 18.374 tỷ đồng, tăng 30%; chi ngân sách ở mức 14.038 tỷ đồng, tăng 2,66% (số liệu tính đến ngày 15/9/2021).

Đoàn Bổng

“Chìa khóa vàng” giúp Vĩnh Phúc chế ngự Covid-19

“Chìa khóa vàng” giúp Vĩnh Phúc chế ngự Covid-19

Tỉnh Vĩnh Phúc từng có giai đoạn dịch bùng lên, nhưng với chính sách chống dịch "đúng và trúng", vây Covid-19 bằng mở rộng xét nghiệm đã giúp tỉnh sớm chế ngự được dịch.